Trịnh Hội: một người trẻ không ngồi yên
| ||||||||
Nghi Thanh
Tại trang blog do đài VOA của Hoa Kỳ dành cho Trịnh Hội, chàng tự giới thiệu mình như sau: “Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...”.
Chàng nói về mình có ngần ấy, nhưng từng bạn đọc còn có nhiều Trịnh Hội riêng cho mình. Giới luật sư Úc biết đến luật sư Hoi Trinh tài giỏi có bằng cấp từ đại học Melbourne và Oxford. Khán giả video ca nhạc nhớ MC Trịnh Hội ăn nói lưu loát.
Người thích chuyện bép xép biết tài tử Trịnh Hội với nhiều mối tình lãng mạn. Dân tị nạn bị kẹt ở Hong Kong, Phi Luật Tân, Thái Lan kính chú Trịnh Hội như ông thánh. Công an Cộng sản ghi nhớ Việt Kiều Trịnh Hội trước đây từng bị trục xuất tại Hà Nội, rồi mười năm sau lại bị chính công an không cho rời khỏi Việt Nam!”.
Riêng Nghi Thanh, khi chép chuyện đời Trịnh Hội trong loạt bài đánh dấu 40 năm định cư của người Việt Nam tại Úc, đã nhận thấy anh chàng này là một người trẻ chưa bao giờ ngồi yên.
Không ngồi yên
Trịnh Hội bắt đầu không ngồi yên từ ngày trời sập ở Việt Nam. Năm 1975, cha anh đang làm thầy giáo 33 tuổi bị mất dạy và ngồi tù ba năm. Khi cha được thả, ngôi nhà đang ở bị Cộng Sản tịch thu và cả nhà phải đi “kinh tế mới”. Kinh tế mới là hòn đảo – nơi Trịnh Hội qua tuổi thơ và một em trai mất mạng. Sau nhiều lần tìm cách vượt biên thất bại, cuối cùng mình ên người cha đã đến bến bờ tự do. Đến Úc, ông chờ thêm năm năm mới xong giấy bảo lãnh gia đình từ Việt Nam sang đoàn tụ.
Năm 1985, Trịnh Hội cùng mẹ, chị và hai em gái đến Úc. Lúc đó chàng 15 tuổi. Chỉ bốn năm sau, Trịnh Hội học năm thứ nhất cử nhân kép văn khoa/ luật tại đại học Melbourne. Wow! Ký giả Clare Kermond (báo The Age) thán phục. Nhưng chàng tỉnh queo trả lời: “Thằng di dân/ tị nạn nào chả vậy. Không còn cách nào khác hơn phải... học giỏi”. Trịnh Hội giỏi thiệt. Anh bước vào nghề luật sư qua ngả phụ tá cho thẩm phán Susan Kenny tại toà án Liên Bang Úc, rồi làm việc cho công ty luật lớn nhất thế giới. Khi hành nghề, Trịnh Hội được Úc trao giải Young Australian Lawyer of the Year (năm 1999), rồi được học bổng đi Oxford học thêm cao học luật về tị nạn.
Nói về nghề nghiệp, Trịnh Hội đạt gần hết giấc mơ của tất cả sinh viên luật tại Úc. Nhưng chàng không ngồi yên.
Chất ngất mộng mơ
Đang học cử nhân kép văn khoa/ luật tại đại học Melbourne, chàng sinh viên Trịnh Hội dành ra những tuần nghỉ hè để dọt tuốt qua Hong Kong với bà Pam Baker (mà người tị nạn Hong Kong trìu mến gọi là bà ngoại”) hay đi Phi Luật Tân chung với nhóm luật sư Australian Lawers for Refugees Inc. giúp người tị nạn làm giấy tờ.
Học xong, năm 1996 cậu cử chất ngất mộng mơ đã sống “những ngày đẹp đẽ, êm đềm và nên thơ nhất của thời con trai mới lớn.” Chàng chớp được gióp thơm từ công ty luật Úc. Công ty gởi chàng đi Việt Nam. Thế là chàng trai chất ngất lý tưởng ban ngày ngồi trong văn phòng công ty luật tại Hà Nội; đêm xuống đạp xe đạp tìm đến Tổ Bán Báo Xa Mẹ ở gần phố Quang Trung để dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo. Sống ở Hà Nội, chàng thấy cái gì cũng lạ, nghe cái gì cũng hay kể cả cái loa phường suốt ngày lải nhải thề thốt dùm bà con “quyết tâm không đẻ”!
Chất ngất lý tưởng, Trịnh Hội tiến xa hơn khi tổ chức những chuyến đi chơi cho các em. Khi thì đền Hùng. Khi thì phủ Bà Triệu. Có lúc cả đám kéo nhau vãng chùa Hương. Ở đâu cả đám cũng hồn nhiên cười đùa ỏm tỏi. Đến lúc này thì công an Cộng Sản nhíu mày. Họ sợ Trịnh Hội có “ý đồ” nên ra tay. Tháng Tư 1997, công an chụp Trịnh Hội gần Đồ Sơn (Hải Phòng) vì tội cùng với một người ngoại quốc đi thăm vài ba em bé bị hồi hương từ trại tị nạn Hong Kong.
Với tội “gặp gỡ người hồi hương không xin phép”, Trịnh Hội bị giam năm ngày, rồi bị tống cổ khỏi nước trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Trước khi bị trục xuất, Trịnh Hội phải trả tiền qua đêm trong nhà đá của Cộng Sản và bị phạt 15 triệu đồng Hồ.
Nhờ công an đuổi khỏi nước, Trịnh Hội bay tuốt sang Phi Luật Tân bắt đầu chương trình vận động cho thuyền nhân Việt Nam được định cư. Anh và bạn hữu miệt mài suốt 37 năm cho rất nhiều người được lên đường định cư. Chuyến định cư cuối cùng diễn ra vào tháng Ba vừa qua khi 300 thuyền nhân bị kẹt tại Phi Luật Tân đi Canada.
Con người đa đoan
Đời của Trịnh Hội có nhiều ngõ cụt. Nhưng mỗi lần lâm vào ngõ cụt, chàng lại biến tai họa thành cơ hội mở ra hướng mới cho đời mình.
Năm 1997, đang vui chơi với đám trẻ em nghèo ở Hà Nội Trịnh Hội bị công an bắt và trục xuất. Chàng nhỏ lệ rời Việt Nam nhưng không tiếc vì chàng được đi Phi Luật Tân. Tại Phi, Trịnh Hội “có dịp sống và hạnh phúc với lý tưởng của mình trong suốt một thập niên đong đầy những kỷ niệm”. Đó là vận động cho gần 3 ngàn người tị nạn được định cư. Tại Phi, chàng làm đám cưới với Kỳ Duyên. Và cũng trong thời gian ở với Kỳ Duyên, Trịnh Hội được người đẹp nâng khăn sữa túi khi làm người dẫn chương trình văn nghệ nổi tiếng tại Hoa Kỳ.
Năm 2007 Trịnh Hội bất đồng với người Việt tại Úc khi nhất định dẫn chương trình văn nghệ có hề từ Việt Nam sang diễn. Anh mất gióp. Nhờ rơi vào ngõ cụt này, Trịnh Hội bắt được gióp thơm từ công ty Ernst & Young và trở lại Sài Gòn vừa làm luật sư vừa đóng phim. Tại Sài Gòn, thêm một lần nữa Trịnh Hội bị Cộng Sản dí. Lần trước bị công an đuổi khỏi nước trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Lần này, anh bị chận tại Tân Sơn Nhất: không được ra khỏi Việt Nam!
Cuối cùng, thoát khỏi nhà tù lớn Việt Nam, Trịnh Hội tạm dừng chân tại Hoa Kỳ và Úc vừa vui chơi văn nghệ vừa nghiêm chỉnh vận động cho người tị nạn và một xã hội dân sự tại Việt Nam. Chính anh đã chọn con đường hoạt động đấu tranh vì anh muốn thay đổi chính mình. Nhờ thay đổi chính mình, anh mong thay đổi thế giới.
Con người đa tài
Trịnh Hội viết nhiều bài báo rất khô khan đăng trên tập san chuyên về Luật đồng thời cây viết của anh rất vui nhộn khi viết blog,viết sách hay đăng bài trên báo chí Việt Ngữ.
Là người trẻ, Trịnh Hội biết dùng các phương tiện truyền thông. Anh xuất hiện trên gần hết các phương tiện này. Vào YouTube ta có Trịnh Hội với kênh Younivis của riêng anh. Mỗi tuần anh tung lên Younivis 99 giây video gọi là chuyện đời nho nhỏ. Tại đài truyền hình VietFace 57-2, Trịnh Hội có chương trình riêng mang tên “Trẻ-Khỏe-Đẹp” mỗi tuần phát hình một lần. Ai đọc blog, Trịnh Hội có một blog bề thế bên trong VOA.
Ở Hoa Kỳ và Úc, Trịnh Hội là người dẫn chương trình văn nghệ, tham gia khiêu vũ. Về Việt Nam, Trịnh Hội đóng phim. Anh xuất hiện trong vai kỹ sư Dũng trong phim “14 ngày phép” và được giải Cánh Diều Vàng năm 2010. Báo Việt Nam khen Trịnh Hội như “anh chàng đa tài đang báo hiệu sự triển vọng của một gương mặt đầy tính cách”. Nhưng tài như Trịnh Hội không có đất dụng võ ở Việt Nam.
Hiện nay, Trịnh Hội tiếp tục rong ruỗi khắp thế giới và chú tâm hoạt động trong tổ chức VOICE do chính anh và bạn bè thành lập. VOICE viết tắt từ Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment. Cái tên dài ngoằn này được giáo sư Nguyễn Ngọc Bích dịch thành “Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại”. VOICE là tổ chức bên ngoài chính phủ nhắn tới giúp đỡ người tị nạn và xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam. Mới đây VOICE đã đưa 24 gia đình người tị nạn Việt Nam kẹt tại Phi Luật Tân định cư tại Canada và giúp nhóm người Việt Nam tị nạn tại Thái Lan lên đường định cư.
Con người đa tình
Cưới vợ lần thứ nhì, Trịnh Hội phải nhanh chóng thanh minh thanh nga vợ mình “không phải là con cán bộ gộc”. Được biết, sau khi hôn nhân với con gái cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ tan vỡ, tiếng đồn Trịnh Hội chơi với CCCC. Trịnh Hội phải giới thiệu cô vợ Mai Ly là “gái Cali”. Nhưng giới bép xép không rời chàng trai điển trai đa tình này. Mặc dầu Hội nhanh chóng có con với Mai Ly, giới bép xép vẫn tung tin Trịnh Hội qua đêm trong phòng với một “Thiên Kim Tiểu Tử” khác tại Pechanga Casino.
Phải nhìn nhận Trịnh Hội đa tình. Ở Phi Luật Tân chàng hết lòng với người tị nạn mà cũng hết tình với bóng hồng. Chính tại Phi Luật Tân, chuyện tình Trịnh Hội - Kỳ Duyên ươm hoa. Trịnh Hội gặp Kỳ Duyên tại Mỹ vào năm 2000. Hai năm sau, Kỳ Duyên bay sang Phi Luật Tân giúp một tay với Trịnh Hội trong chương trình văn nghệ giúp người tị nạn. Hai năm sau, Kỳ Duyên lên xe hoa một lần nữa. Chú rể không ai khác là Trịnh Hội. Giới bép xép gọi đây là đám cưới của cặp “Tiên Đồng Ngọc Nữ”. Cưới xong, Trịnh Hội về Việt Nam và Kỳ Duyên bay sang Mỹ. Tiên Đồng và Ngọc Nữ cách nhau nửa vòng trái đất... Xa cách này đã chấm dứt sau 4 năm: cả hai chia tay.
Kỳ Duyên tả lúc chia tay vào năm 2008 với người chồng thứ nhì như thoát ra một cách nhẹ nhàng” còn Trịnh Hội trích thơ Phạm Thiên Thư “Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi". Sau Trịnh Hội, Kỳ Duyên có tình yêu mới với David T. Ton (tên Việt Nam là Duy Hân) và Trịnh Hội lấy Mai Ly và có con đầu lòng. Làm bố, Trịnh Hội đã biết thay tả, pha sữa và nhận ra công lao của cha mẹ khi nuôi con.
Vợ cũ Kỳ Duyên có lần tả Trịnh Hội là người mơ mộng, lang bạt. Kỳ Duyên nói: Hội đang đi tìm chính mình! Nếu Kỳ Duyên nhận xét Trịnh Hội là con người mơ mộng thì đây là giấc mơ của anh. Anh mượn lời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-mon để tả giấc mơ lớn nhất của mình như sau: “Chúng ta hãy cùng nhau tái xác quyết để giúp đỡ các nạn nhân, họ hàng của họ và cho cả xã hội có quyền biết được sự thật – và bảo vệ những ai đang tranh đấu để sự thật được thắng thế. Tôi thật sự rất muốn làm được điều này. Rất muốn dành cả cuộc đời còn lại để đạt được mục đích này.”
Mới nhất, Trịnh Hội đã xuống tóc, khoác áo cà sa và bay tuốt sang Bhutan tịch cốc. Tin này làm ngẩn ngơ trong giới người đẹp. May mắn, Trịnh Hội chỉ làm đại tăng trong ba tuần lễ và sẽ có mặt trong nhiều đêm ca nhạc Mãi Một Tình Yêu lưu diễn tại Úc.
Trịnh Hội ơi, welcome back to Australia. Miệt Dưới mãi mãi là tổ ấm chờ đón cánh chim mỗi khi mỏi cánh.
Nghi Thanh
(Trích TVTS số 1527 ngày 1.7.2015)
14 Ngày Phép:
|
Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016
Trịnh Hội: một người trẻ không ngồi yên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét