Năm 2011 tôi may mắn nhận được một số bản nhạc với thủ bút của Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Sau đó, cứ mỗi độ Thu về, tôi lại có cảm hứng để thực hiện những trang đặc biệt về dòng nhạc của Ông ở website Cỏ Thơm vì muốn phổ biến một số bản nhạc với lời ca 2 mà ít ca sĩ hát. Thêm vào các trang này là những câu chuyện về Ông mà nay đã được tiết lộ từ Đoàn Đính và Đoàn Liêm, 2 thứ nam của NS Đoàn Chuẩn, và thân hữu. Đây là 3 trang tôi đã thực hiện:
CHUYỂN BẾN
|
CHUYỂN BẾN - Đoàn Chuẩn & Từ Linh - Biên soạn: Phan Anh Dũng
|
(mùa Thu 2011) TÌNH NGHỆ SĨ (mùa Thu 2014) THU QUYẾN RŨ (tháng 10, 2015)Sau khi phổ biến trang Thu Quyến Rũ, qua lời giới thiệu của NS Phạm Anh Dũng, California, tôi lại có duyên email qua lại với anh chị Đoàn Chính và Mộng Hương ở Montréal, Canada. Ca sĩ Đoàn Chính là trưởng nam trong số 6 người con của NS Đoàn Chuẩn (người chị cả Phương Mai và em trai út Đoàn Nghiêm - còn gọi là Châu - đã qua đời; NS Hạ Uy cầm Đoàn Đính, Đoàn Liêm và em gái Phương Nga hiện đang sống ở Việt Nam). Đoàn Chính sinh năm 1945, học nhạc với ca sĩ Ngọc Bảo ở Hà Nội và có một giọng ca tenor thiên phú. Sau khi bị gọi nhập ngũ vào Nam chiến đấu, anh đã quyết định hồi chánh ở Sài Gòn trong Tết Mậu Thân năm 1968. Từ đó, thính giả miền Nam tự do đã nghe tiếng hát của Đoàn Chính trên các đài phát thanh và truyền hình Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian này, anh cũng dạy âm nhạc tại Đại Học Minh Đức và Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Năm 1972, Đoàn Chính kết hôn với Mộng Hương, ái nữ một người bạn của NS Đoàn Chuẩn ở Sài Gòn. Sau 1975, anh chị đã định cư tại Canada cho đến nay. Biết vợ chồng tôi rất quý mến nhạc Đoàn Chuẩn và thích sưu tầm nhạc, anh chị Đoàn Chính-Mộng Hương đã gởi tặng quyển sách Đoàn Chuẩn-Từ Linh "Những Giòng Mùa Thu", ấn hành năm 2002 ở Canada, sau khi NS Đoàn Chuẩn qua đời năm 2001. Trong quyển nhạc có bản Đường Về Việt Bắc mà NS Đoàn Chuẩn đã sáng tác tặng phu nhân, trên đường đi thăm người vợ trẻ tên Xuyên ở vùng Việt Bắc, thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bản nhạc có ghi chú: " Nhớ những đi học CK III toán lý hóa ở Ngô Xá (Thanh Hóa) mà M.X. ở Việt Bắc - Làm sao mà học được? Nhạc phẩm ĐC viết cho vợ yêu ở Việt Bắc ... Thu 1948". Ca khúc này được Đoàn Chính trình bày trong CD "Tình Ca Cho Em" - mời quý vị thưởng thức ở dưới cùng với các giọng ca nổi tiếng khác như Mai Hương, Duy Trác, Lê Dung và tiếng đàn ngọt ngào của Đoàn Đính. Trong trang này cũng mời quý vị xem một video nói về Từ Linh và ca sĩ Mộc Lan, qua phỏng vấn Đoàn Liêm và Thụy Kha. Từ Linh, tên thật là Tạ Đình Thâu, một người bạn tri kỷ ở gần nhà NS Đoàn Chuẩn. Ông cũng là một nhiếp ảnh gia, một người yêu âm nhạc, trong gia đình được gọi là "Tư lì". NS Đoàn Chuẩn đổi tên lại là Từ Linh và trân trọng để tên người bạn thâm giao vào các bản nhạc. Trong video này cũng có nhắc đến Ca sĩ Mộc Lan là người được NS Đoàn Chuẩn ái mộ. Trang đặc biệt "Đường Về Việt Bắc" xin gởi đến quý vị yêu âm nhạc khắp nơi, đại gia đình cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và xin được riêng tặng anh chị Đoàn Chính-Mộng Hương để kỷ niệm duyên văn nghệ thật là thú vị này. Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia USA - 27 tháng 11, 2015)
Gia đình Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bên trái và 3 người con thời ấy: Đoàn Đính, Đoàn Chính, Phương Mai (chụp với gia đình người anh ruột của NS Đoàn Chuẩn phía bên phải).
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh
Mời quý vị thưởng thức ĐƯỜNG VỀ VIỆT BẮC (hay Tà Áo Tím) của Đoàn Chuẩn & Từ Linh
Tiếng hát Đoàn Chính : MP3 Youtube (Dĩ Vãng Buồn thực hiện video)
Đường Về Việt Bắc (hay Tà Áo Tím) Nhạc: Đoàn Chuẩn - Lời: Từ Linh
Chiều nào áo tím nhiều quá Lòng thấy rộn ràng nhớ nguời Ðường về Việt Bắc xa cách mây Nhìn về đường lối muôn khó khăn Ðây núi cao, đây suối sâu Ðây lá xanh như ngàn xưa Ðường về ngập gió tha phương Tiếc đời gấm hoa ta đành quên màu sắc núi rừng
Qua bao rừng núi anh về đây Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây Ðường về Việt Bắc xa xôi rừng núi Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi Ðường về Việt Bắc xa xôi núi đồi
Chiều nào áo tím nhiều quá Lòng thấy rộn ràng nhớ nguời Dù đời chinh chiến xa cách nhau Tình đầu âu yếm quên nhớ chăng? Anh quên sao, đôi mắt em Đôi môi xinh, nụ cười tươi Đường về lả lướt bóng ai Những chiều gió thu qua mành the thầm nhắc anh về
Muốn bao tà áo xanh mùa thu Muốn bao quầng mắt đa tình sao Lòng dù xao xuyến nhớ em nhiều quá Anh nhớ tới em những khi chiều xuống Đường về Việt Bắc xa xa núi đồi
Bản nhạc Đường Về Miền Bắc với thủ bút của Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết: "Nhớ những đi học CK III toán lý hóa ở Ngô Xá (Thanh Hóa) mà M.X. ở Việt Bắc - Làm sao mà học được? Nhạc phẩm ĐC viết cho vợ yêu ở Việt Bắc ... Thu 1948"
Bản nhạc "Đường Về Việt Bắc" trong tập nhạc "Những Giòng Mùa Thu" do gia đình của ca sĩ Đoàn Chính ấn hành năm 2002 tại Canada sau khi Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời (năm 2001). Lời Tựa của tập nhạc viết "Để tưởng niệm người cha kính yêu, chúng tôi quyết định xuất bản tập nhạc gồm những ca khúc của Ông đã sáng tác, ca ngợi Tình Yêu và Mùa Thu. Mỗi nhạc phẩm của Ông đều phảng phất một mối tình, một vấn vương thoáng qua rồi lại tan đi ...".
Ở dưới là những hình ảnh trong tập nhạc "Những Giòng Mùa Thu" trong đó có: hình ảnh NS Đoàn Chuẩn chụp chung với Từ Linh, Đoàn Chuẩn chụp với trưởng nam Đoàn Chính, ÔB Đoàn Chuẩn du ngoạn Boston USA khi đi thăm gia đình Đoàn Chính năm 1990; hình gia đình ca sĩ Đoàn Chính và Đoàn Châu (con trai út của NS Đoàn Chuẩn) năm 2002.
Trò Chuyện cùng Đoàn Chính - Người viết: Hà Nhật Linh
Đoàn Chính là con trai của cố Nhạc Sĩ Đoàn Chuẩn, người đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam những bài tình ca rất nổi tiếng về mùa Thu mà qua nhiều thập niên, những bài hát vẫn được hàng triệu, triệu người mến mộ như bài Lá Đổ Muôn Chiều, Lá Thư, Thu Quyến Rũ, v.v.
Hà Nhật Linh (HNL) không dám dùng chữ “phỏng vấn“ mà chỉ xin được coi đây là một cuộc trò chuyện bình thường giữa một người với một người để trao đổi những điều mình muốn được biết thêm về người đó: anh Đoàn Chính. Xin mời quý thân hữu xa gần cùng xem bài nói chuyện của anh Đoàn Chính (người con thứ 2 nhưng là trưởng nam của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh)do Hà Nhật Linh thực hiện.
HNL. Được biết anh Đoàn Chính là con của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
a- Xin anh cho biết: anh là người con thứ mấy trong gia đình?
Đoàn Chính: Tôi là người con thứ 2 (lớn nhất là người chị cả) trong gia đình 6 người con và Đoàn Chính là trưởng nam của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
b- Anh có thể cho biết cảm nhận của anh khi anh là con của một cố nhạc sĩ lừng danh?
Đoàn Chính: Tôi rất tự hào, sung sướng và có ước nguyện tiếp tục tạo được danh tiếng trong lãnh vực Âm nhạc.
HNL.Anh Đoàn Chính có thể chia sẻ một ít hoạt động văn nghệ của anh khi còn ở trong nước (trước năm 1975).
Đoàn Chính: Tôi là giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, Đại Học Minh Đức, cộng tác các chương trình của đài phát thanh Sai Gòn và đài truyền hình.
HNL. Năm nào thì anh rời khỏi Việt Nam? Canada là nơi anh đến khi rời khỏi Việt Nam hay trước đó anh còn định cư ở một quốc gia nào khác?
Đoàn Chính: Rời khỏi Sài Gòn năm 1975, đến trại tị nạn California thì xin đi định cư tại Canada.
HNL. Lý do nào thúc đẩy anh đi định cư ở Canada, khi Cali là nơi mà nhiều người VN tị nạn 75 đều muốn được ở lại đó, Cali lại là nơi tập hợp nhiều tinh hoa nghệ thuật và điện ảnh hay là lúc đó anh chưa định hướng được vì những ngày đầu nơi đất lạ quê người?
Đoàn Chính: Chúng tôi sang tới trại tị nạn Pennsylvania cùng với nhóm Đài phát thanh Mẹ Việt Nam, sau đó xin sang trại bên Cali để đoàn tụ cùng gia đình vợ. Khi ở đây, thì có phái đoàn Canada kêu gọi định cư, chúng tôi tìm hiểu thì thấy Canada là một quốc gia trung lập, không căng thẳng với VN (vào thời gian đó), chúng tôi sẽ có điều kiện để liên lạc với gia đình, các anh chị em còn sinh sống ở Miền Bắc, mà chúng tôi đã rời xa từ năm 1968, chúng tôi sẽ có thể giúp đỡ họ ngay khi chúng tôi định cư. Thêm vào đó, Canada dành cho chúng tôi cuộc sống tự lập, không lệ thuộc vào các gia đình bảo trợ như điều kiện bên Mỹ khi muốn xuất trại. HNL. Quá khứ là một chuỗi ngày tháng đầy những kỷ niệm. Vui, buồn, khổ lụy ... đều là những hành trang mang vào cuộc sống, ít hay nhiều trong đó còn có những nuối tiếc vấn vương . Từng là cựu giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, anh có cảm thấy một sự mất mát khi có những điều mình chưa kịp thời gian để hoàn tất như: huấn luyện một khóa học nào đó chưa xong, muốn thực hiện một điều gì đó trong lĩnh vực nghệ thuật mà chưa thành... thì đã phải xa rời quê hương không thưa anh?
Đoàn Chính: Vâng, đó là một sự mất mát rất lớn, một mất mát chung cho mọi người. Bộ môn do tôi phụ trách là một bộ môn mới được sáng lập (Ca Xướng Cổ Điển Tây Phương), nhưng mới thực hiện được 2 năm đã phải cắt ngang, việc đào tạo các em chưa hoàn thành mỹ mãn, thật đáng tiếc.
HNL. Xin anh cho biết anh có dự định tiếp tục phát huy thêm về con đường âm nhạc như mở những lớp huấn luyện về sáng tác nhạc, xử dụng những nhạc cụ, v.v.
Đoàn Chính: Việc phát huy về âm nhạc thì chúng tôi chỉ cố gắng trau dồi thêm, trao đổi nghệ thuật với những người cùng tư tưởng, chứ không nghĩ đến chuyện huấn luyện hay đào tạo nữa.
HNL. Anh Đoàn Chính kính mến. Trò chuyện với anh, lại muốn tò mò đi xa thêm một tí để được biêt thêm về đời sống gia đình của anh. Mong anh không ngại cho HNL cũng như khán thính giả được hân hạnh biết đến chuỗi ngày tháng mà anh chị đã sống bên nhau, lúc mới gặp chị, năm anh chị kết hôn và anh chị có được bao nhiêu cháu? trong số các cháu có người nào tiếp nối bố và ông nội chọn đi theo con đường âm nhạc không?
Đoàn Chính: Chúng tôi gặp nhau và quen nhau năm 1968. Thân phụ tôi và bố vợ tôi là 2 người bạn quen nhau từ hồi còn độc thân, nên khi tôi vào Miền Nam thì ông cụ đến thăm tôi và đưa về chơi với gia đình. Nơi đây tôi đã gặp và sau nhiều lần gặp nhau thì chúng tôi bắt đầu có cảm tình với nhau. Chúng tôi thành hôn năm 1972, và đã có cùng nhau 3 cháu; 2 gái, 1 trai. Hai cháu gái lớn đã tốt nghiệp lớp Dương Cầm, nhưng các cháu học cũng là để giải trí thôi, nên không học thêm để trở thành chuyên nghiệp. Lúc còn ở trung học, các cháu thường tham gia văn nghệ nhà trường, cùng tôi đi trình diễn những buổi sinh hoạt của các Hội Đoàn, Cộng Đồng ,vv..vv.. Nhưng lên tới cấp bậc Đại Học thì các cháu không còn thời gian nữa, nên cũng buông dần.
HNL. Trong những lúc trò chuyện với anh Đoàn Chính, HNL có được hội ý với chị Mộng Hương (MH) và Email cho chị, được chị trả lời rất chu đáo và dễ mến, cái tên Mộng Hương, chỉ mới nghe qua là đã cảm nhận trong đó có một chút gì Thơ, Nhạc, một vẻ trữ tình khó diễn tả, như vậy trước đây chị có là một nghệ sĩ, môt thi sĩ hay hoạt động gì trong lãnh vực nghệ thuật không thưa anh?
Đoàn Chính: MH thì chỉ thích nhạc, thơ, văn, chứ không sáng tác và cũng chỉ hoạt động văn nghệ trong môi trường hội đoàn, nhà trường, chứ không sinh hoạt ngoài công chúng.
HNL. Quay lại vấn đề âm nhạc, xin anh chia sẻ với HNL là trong quá trình họat động văn nghệ ở trong nước cũng như ở hải ngoại, anh có sáng tác hay phổ thơ thành những ca khúc không?
Đoàn Chính: Thưa anh, không, tôi chỉ sinh hoạt như một nghệ sĩ trình diễn thôi, không sáng tác. Duy có lần ở Sài Gòn thì tôi có sáng tác một nhạc phẩm "Những Cánh Chim" do Jo Marcel trình bày và được thâu trong băng nhạc số 7.
HNL. Có một lần được anh Phạm Anh Dũng cho nghe bài hát Delilah do anh trình bày, thật tình mà nói là HNL rất khâm phục giọng hát của anh, trầm ấm khí thế, là một nghệ sĩ rất chuyên nghiệp. Xin anh cho biết hiện nay anh đã thực hiện được bao nhiêu CD do tiếng hát của chính mình.
Đoàn Chính: ĐC không thu âm và tự phát hành nhiều CD, chỉ thực hiện có 1 CD "Tình Ca cho Em " (có gửi đến Hồn Quê) và đã giới thiệu đến các bạn. Tuy nhiên có thu âm cho nhiều CD của Phong Trào Hưng Ca.
HNL. Thưa anh Đoàn Chính, theo HNL được biết cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có một người bạn và người bạn đó lại có một người em có tên là Từ Linh. Người này đã trở thành một tri kỷ của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và tên của vị này cũng đã gắn bó với hầu hết các tác phẩm của những bài nhạc mà cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sáng tác. Cận kề bên ông cụ, có khi nào anh được ông cho biết vì sao trong các nhạc phẩm thường được dùng bút hiệu Đoàn Chuẩn-Từ Linh không?
Đoàn Chính: Đối với ông cụ, Từ Linh là một người bạn tri kỷ, và ông cụ không bao giờ đề cập đến lý do vì sao có bút hiệu ghép như vậy .
a- Có những người đặt nghi vấn và cho rằng: Đoàn Chuẩn là người viết nhạc còn Từ Linh là người sọan lời ca.
b- Lại có người cho rằng cái danh hiệu Đoàn Chuẩn -Từ Linh là một huyền thọai không ai hiểu được, có thể câu trả lời như là câu (a) ở trên nhưng cũng có thể cái tên ghép của 2 người có một sự thân thiết mà nghe qua cũng rất là nghệ sĩ nên cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã chọn để ghi dấu trong những tuyệt tác mà ông đã có được. Vậy thưa anh Đoàn Chính đối với anh, anh cảm nhận thế nào?
Đoàn Chính: Đối với Đoàn Chính thì đã là một huyền thoại, chúng ta yêu nhạc Đoàn Chuẩn thì cứ yêu nhạc, còn tình bạn là tình bạn, chúng ta không nên phân tích và tìm hiểu thêm làm gì :). Riêng Đoàn Chính thì nghĩ những sáng tác của ông cụ là những trang nhật ký của ông cụ viết bằng nhạc, diễn tả lại những tâm tình của ông cụ.
Thân chúc HNL & gia đình một năm mới vui tươi và tràn đầy hạnh phúc.
Hà nhật Linh xin thay mặt cho Nguyệt San Hồn Quê, chân thành cám ơn anh chị Đoàn Chính và Mộng Hương đã dành thời gian quí báu trò chuyện và chia sẻ với Hà Nhật Linh những điều rất thú vị. Mong rằng với mạng lưới thông tin hiện đại ngày nay, nhiều khán thính giả sẽ có cơ hội biết đến anh chị và các cháu nhiều hơn. Riêng cá nhân Hà Nhật Linh vẫn hằng mong mỏi rằng trong số các cháu là hậu duệ của những đời sau sẽ có người tiếp nối làm công việc mà ông nội đã từng làm (chuyện đời có ai ngờ được) phải thế không anh chị Đoàn Chính và Mộng Hương?
Kính chúc anh chị và các cháu một đời sống hạnh phúc, vẹn toàn.
Hà Nhật Linh (Jan. 15-2009)
Một số hình ảnh của Ca sĩ Đoàn Chính
Ca sĩ Mai Hương & Đoàn Chính
3 Ca sĩ Quỳnh Giao, Mai Hương, Đoàn Chính
Từ trái: Nhà văn Bích Huyền, ca sĩ Đoàn Chính, phu nhân Mộng Hương và thân hữu ở Nam Cali
Mời thưởng thức toàn bộ "TÌNH CA CHO EM" qua giọng hát tenor của Ca sĩ Đoàn Chính
1. Bản Tình Ca Cho Em (Ngô Thụy Miên) 2. Mơ Hoa (Hoàng Giác) 3. Chiều Về Trên Sông (Phạm Duy) 4. Vó Câu Muôn Dặm (Nhạc: Văn Phụng - lời: Văn Khôi) 5. Giữ Đời Cho Nhau (Nhạc: Từ Công Phụng - lời: Du Tử Lê) 6. Santa Lucia 7. Đường Về Việt Bắc (Nhạc: Đoàn Chuân - lời: Từ Linh) 8. Giòng Sông Xanh (Johann Strauss - lời Việt: Phạm Duy) 9. Mắt Biếc (Ngô Thụy Miên) 10. Quán Thế Âm (nhạc: Phạm Duy - lời: Phạm Thiên Thư) 11. O Sole Mio 12. Hòn Vọng Phu 3 (Lê Thương)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét