Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố như


Hiểu thêm về câu thơ “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố như”
Thứ tư, 08/02/2006 - 11:33 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định




Tượng Nguyễn Du tại<br>Khu lưu niệm Tiên Điền.
Tượng Nguyễn Du tại<br>Khu lưu niệm Tiên Điền.


Ông sinh ngày 3-1 tại phường Bích Câu, Hà Nội. Quê gốc Hà Tĩnh, từng nhiều năm sống dân dã dưới chân núi Hồng, ông có cốt cách của người vùng đất ấy, nhưng quan trọng hơn, ông là người hội tụ được cả văn hóa của kinh thành và Kinh Bắc quê mẹ, là người chỉ thi đỗ cỡ tú tài (Tam trường) nhưng có thực học uyên bác vào bậc nhất thời bấy giờ.
Cuộc đời ông có thể chia làm ba giai đoạn: Thời tuổi thơ sống trong nhung lụa, thời lưu lạc và thời làm quan với nhà Nguyễn.
Thời làm quan với nhà Nguyễn, tuy được thăng tiến liên tục, có hai lần được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc, tuy liêm khiết tận tụy, nhưng không hào hứng, bày tỏ một thái độ "thức giả như ngu".
Mỗi lần vào chầu vua, ông thường không nói gì, ra dáng sợ sợ, sệt sệt. Ðó là thời kỳ nỗi buồn của ông càng thêm sâu lắng vì sự thế phù vân, vì tiếng kêu khóc của người dân nơi thôn cùng xóm vắng vẫn cất lên ai oán như thời chiến tranh.
Từ nỗi buồn cá nhân, ông mang nỗi buồn đời, và hơn thế là nỗi buồn cho cả kiếp người, nỗi buồn vũ trụ: Du du vân ảnh biến thần tịch, Cổ cổ lãng hoa phù cổ câm, Trần thế bách niên khai nhãn mộng, Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm(Bóng sớm mây chiều thay đổi chóng, Lớp sóng cổ kim chìm nổi mau, Mở mắt trăm năm trong giấc mộng, Quê nhà một nhớ, một lòng đau).
Theo sách Ðại Nam chính biên liệt truyện thì khi ông ốm, người nhà sờ thấy tay chân lạnh cả rồi, ông nói "Ðược" rồi mất, không trối lại điều gì.
Với tác phẩm của Nguyễn Du, có thể nói sự tìm tòi của chúng ta là vô tận. Câu thơ Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như  cũng vậy. Ðó là câu kết trong bài thơ chữ Hán Ðộc Tiểu Thanh ký. Nguyên văn như sau:
Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu 
Văn chương vô mệnh lụy phần dư 
Cổ kim hận sự thiên nan vấn 
Phong vận kỳ oan ngã tự cư 
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Bài thơ được ông Vũ Tam Tập dịch là:
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang 
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn 
Son phấn có thần chôn vẫn hận 
Văn chương không mệnh đốt còn vương 
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi 
Cái án phong lưu khách tự mang 
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa 
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc sống vào thời nhà Minh ở tỉnh Chiết Giang, làm lẽ cho một người họ Phùng. Vợ cả ghen, đuổi lên sống trong một ngôi nhà nhỏ trên núi, nàng buồn đến chết ở đó, khi chưa đầy 20 tuổi, nay vẫn còn mộ. Khi nàng chết, vợ cả chưa hết ghen tức, còn đem đốt những gì Tiểu Thanh viết. Nguyễn Du đọc được những bài thơ còn sót lại của nàng, mới xúc động làm bài thơ này.
Ở câu cuối, xưa nay người ta hiểu: Nguyễn Du sống cách Tiểu Thanh ba trăm năm, vì thế ông mới hỏi, ba trăm năm sau, có ai thương xót ông mà nhỏ lệ.
Tôi không dám hiểu sai ý đó nhưng từ lâu vẫn rất băn khoăn. Lẽ nào Nguyễn Du lại cần người thương xót mình khi ông đã coi cái chết nhẹ nhàng đến thế? Các cụ xưa cũng nói, cách hiểu khoảng cách giữa Nguyễn Du và Tiểu Thanh 300 năm, Nguyễn Du và hậu thế ba trăm năm cũng chỉ là giả thiết. Nguyễn Du viết riêng chuyện nàng Tiểu Thanh có những câu tuyệt hay: "Son phấn có thần, sau khi chết còn để lại xót thương, Văn chương không có mệnh, thế mà khi đốt rồi vẫn còn để lụy về sau".
Thế nhưng đến hai câu tiếp theo, tôi nghĩ đã mang tính khái quát: Những nỗi hận của nàng Tiểu Thanh (và của nhiều người khác) cũng khó mà hỏi trời, Ta (Nguyễn Du) tự đặt mình ở vào chỗ của những người oan khuất ấy. Những người oan khuất ấy, trước hết là những người tài sắc như Ðạm Tiên, Tiểu Thanh, Vương Thúy Kiều, cho nên dịch là Cái án phong lưu khách tự mang thật đã tài tình, nhưng e không mang hết nghĩa mà Nguyễn Du muốn nói. Phải chăng còn có tiếng khóc của những người trồng dâu gai; của những tráng sĩ hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên; của chuyện Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau; của chuyện Hồn nếu thật về không chỗ ở, Rắn rồng quỷ quái khắp nhân gian...?
Nguyễn Du đã tự ở vào những nỗi buồn nhân thế ấy. Ba trăm năm là một con số ước lệ, phải chăng còn để chỉ một vòng triều đại, một biến thiên lịch sử thay đổi tính chất xã hội? Sau biến thiên ấy, còn có nhiều người tự đặt mình vào chỗ biết xót thương con người và những giá trị vĩnh hằng? Và có đáng khóc chăng, sau một "ba trăm năm lẻ nữa" vẫn còn nhưng "phong vận kỳ oan"? Có lẽ tiếng khóc của Tố Như còn vọng cho mai hậu nữa chăng, chứ không phải ông mong người khác khóc mình?
 Trăm năm vui khổ bao giờ hết - Nguyễn Du từng khẳng định như thế về cuộc đời trong một bài thơ chữ Hán khác, bài Tạp ngâm. Nỗi khổ, nỗi oan, đã không nhờ người, không hỏi trời thì làm sao? Phải quay lại với mình. Chữ Tâm có phải là một con đường? Và những chữ gì nữa?
Tư tưởng của Nguyễn Du phức tạp nhưng không mâu thuẫn. Cũng không phải là Phật, Lão, hay Nho một cách máy móc. Tư tưởng của ông là minh triết Việt Nam, nhân bản Việt Nam. Chúng ta cần đi cùng ông, đến với ông trên con đường ấy.
NGUYỄN SĨ ĐẠI













https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99c_Ti%E1%BB%83u_Thanh_k%C3%BD


Độc Tiểu Thanh ký

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Độc Tiểu Thanh kí (Hán tự: 讀小青記) là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật của đại thi hào Nguyễn Du.

Hoàn cảnh sáng tác[sửa | sửa mã nguồn]

Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh, nhiều ý kiến cho rằng nàng là người Dương Châu, con nhà gia thế, tên chữ là Phùng Huyền Huyền. Vốn thông minh nên từ nhỏ nàng đã thông hiểu các môn nghệ thuật cầm kì thi hoạ, lại có phong tư lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả tính hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám xuân xanh. Nhưng đau khổ muộn phiền được gửi gắm vào thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt hết, may mắn còn một số bài sót lại. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là Phần dư tập.
Thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, Nguyễn Du viết ra bài thơ này. Những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh cũng là cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du.
Bài thơ được rút từ "Thanh Hiên thi tập" và viết vào những năm tháng trước khi Nguyễn Du ra làm quan cho triều Nguyễn.

Bài thơ[sửa | sửa mã nguồn]

讀小青記
西湖花苑盡成墟
獨吊窗前一紙書
脂粉有神憐死後
文章無命累焚餘
古今恨事天難問
風韻奇冤我自居
不知三百餘年後
天下何人泣素如
Độc Tiểu Thanh ký
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Đọc Tiểu Thanh ký
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Thiên hạ ai khóc Tố Như chăng ?
Đọc Tiểu Thanh ký
Tây Hồ hoa uyển đã tàn hương,
Lệ đẫm "phần dư" xót kiếp hường.
Một nhánh thơm vùi đen phận số,
Mấy tờ thơ sót bạc văn chương.
Chuốt oan kim cổ ôm bi hận,
Vay món phong tao trả đoạn trường.
Nỗi Tố Như này ai thấu tỏ,
Nghìn sau đời biết lấy ai thương.
Bản dịch: Cao Xuyên

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét