Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Hồ-Dzếnh : Nhớ Nhà Châm Điếu Thuốc


Hồ-Dzếnh :

Nhớ Nhà Châm Điếu Thuốc

alt
Vào những thập-niên 1960 (hay trước hơn), thỉnh-thoảng tôi lại nghe bản nhạc phổ từ thơ Hồ-Dzếnh, “Chiều”, thơ năm chữ của ông. Bài thơ này được sáng-tác năm 1940. Hơn 10 năm sau (1951) (có chỗ nói là ba mươi năm sau), được NS tài-ba Dương-Thiệu-Tước phổ-nhạc thành ca-khúc, vẫn mang tên Chiều. (Lúc đầu, in trong báo Người Mới, Chiều có tênlà Màu Cây Trong Khói)và lập-tức trở-thành nổi tiếng. Bài hát trở thành bất-hủ mãi cho tới bây giờ. Bài hát được viết với nhịp 2 phần 4, ghi giai-điệu là Tempo di Habanera, cung Ré trưởng (D Majeur DM).
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn-cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ-khách
Mầu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây…
Bản nhạc với những khúc hát dìu-dặt, nhẹ-nhàng, bay bổng như con người ở một nơi nào khác, không phải “nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây…” Nghe xong, muốn chạy vào nhà, châm một điếu thuốc, phì-phèo hút thử, xem “khói huyền” có “bay lên cây”không. NS Dương-Thiệu-Tước đã sử-dụng thành-công những nốt trong chùm liên-ba (le triolet) móc đơn trong các trường-canh (mesure) của bản nhạc. Nghe bản nhạc ngập-ngừng, đau-nhói, tự-nhiên thấy tim mình rung-động lạ-lùng. Ông giữ y-nguyên lời của bài thơ, chỉ lập lại câu sau của mỗi đoạn, càng làm cho bản nhạc thêm bồn-chồn, day-dứt và rã-rời như tiếng hạc bay về trong sương chiều
Theo NT Du-Tử-Lê, Chiều như một thứ “Trở Về Mái Nhà Xưa” của H. Curtisse.
Tôi rất thích bản nhạc này. Lại càng thích-thú khi biết ông không phải là người Việt thuần-túy. (Thân-phụ ông là người gốc Minh-Hương, Quảng-Đông, Trung-Hoa di-cư sang VN từ lâu đời). Hồ-Dzếnh sinh năm 1916 tại Làng Đông-Bích, Huyện Quảng-Xương, Tỉnh Thanh-Hóa,mất ngày 13 tháng 8 năm 1991, tên thật là Hà-Triệu-Anh hay Hà-Anh (đọc theo giọng Quảng-Đông là Hồi-Tsiu-Dzíng, gọi tắt là Hồi-Díng).Sau ông đổi là Hồ-Dzếnh. Ông tốt-nghiệp trung học, dạy học tư, viết báo, làm thơ từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông có vào Sàigòn làm báo. Năm 1954 ông lại trở về Hà Nội tiếp-tục làm báo. Ông có chân trong Hội Nhà-Văn Việt-Nam ngay từ buổi đầu thành-lập (1957).
Vì tên của ông “ngộ-nghĩnh”, một số ít bạn-bè vui-tính thường gọi đùa là Hồ-Dính."Hồ Dính, dính hồ, hồ chẳng dính", nhưng ông chỉ cười và không bao giờ giận ai.
Có 3 người phụ-nữ đã đi vào cuộc-đời Hồ-Dzếnh, có thể làm người đọc lẫn-lộn: Nguyễn Thị Hồng-Phúc (người yêu của Hồ-Dzếnh), Nguyễn-Thị Huyền-Nhân (vợ cả của ông trước khi bà mất), và Nguyễn-Thị Hồng-Nhật (vợ lấy sau).
Năm 1947, Hồ-Dzếnh kết-hôn với bà Nguyễn-Thị Huyền-Nhân tại Thanh-Hóa. Ông bà có một con trai nhưng chết-yểu. Bà Huyền-Nhân mất năm 20 tuổi (1950). Năm 1954, ông lập gia-đình lại với bà Nguyễn-Thị Hồng-Nhật tại Hà-Nội. (Bà Nhật có một con riêng.) Người con duy-nhất của hai ông bà là Hà-Chính (sinh vào đầu năm 1950) và ông Hà Chính cũng chỉ có một con duy-nhất Hà-Quang (SN 1984), học xong đại-học, đã đi làm và hiện định-cư ở Đức. Cháu đích-tôn của Nhà Thơ vẫn tiếp-tục cuộc đời tha-hương, nhưng có phần “thoải-mái” hơn ông nội.
alt
Hồ-Dzếnh qua nét vẽ của HS Hoàng-Lập-Ngôn
Trước hết, ông thực-sự là một Nhà Thơ có tài. Ông được nhiều người biết đến qua tập thơ Quê Ngoại(1942) với một giọng thơ nhẹ-nhàng, siêu-thoát, phảng-phất hương-vị thơ cổ Trung-Hoa. Ông còn đăng nhiều thơ, truyện ngắn trên các báo và còn mấy vở kịch đã trình diễn, nhưng chưa xuất bản.Từ 1937 ông có các tác-phẩm in trên các báo Tiểu-Thuyết Thứ Bảy và Trung Bắc Chủ-Nhật. Những sáng-tác trước 1945 đã đi vào lòng người đọc. Ngoài ra, Hồ-Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác-phẩm đã in, tiêu-biểu là tập Truyện Ngắn Chân Trời Cũ (1942), Thạch-Lam đề tựa. (Wikipedia) và tập Hồi-Ký Truyện Không Tên. Sau nhiều năm bị quên-lãng và trù-dập, ôngmất ngày 13-8 năm 1991. Đúng 16 năm sau, ông được truy-tặng Giải-Thưởng về Văn-Học Nghê-Thuật  Nghệ-Thuật. Liệu Giải-thưởng đó có muộn-màng cho một người có nhiều công-lao với văn-học nghệ-thuật như ông, đã nằm xuống 16 năm qua?
Lúc sinh-thời, ông là người cần-cù, siêng-năng, chuyện gì cũng làm được. Thật vậy, ông không từ-nan một việc gì. Trong thời-gian làm ở Nhà Máy Gia-Lâm, lúc nào ông cũng vui-vẻ với mọi người. Ông không thù-hằn, không tranh-giành với ai, được mọi người kính-nể.
Ông là người có nhiều cơ-duyên với Nhà-Văn Thạch-Lam. Tại căn nhà ọp-ẹp bên đê Yên-Phụ, Thạch-Lam là người đã góp ý cho tập truyện Chân Trời Cũ của Hồ-Dzếnh(Chân Trời Cũ gồm 14 truyện ngắn, cách viết gần như hồi-ký, gồm: Ngày Gặp-Gỡ, Người Chị Dâu Tôi, Con Ngựa Trắng Của Ba Tôi, Lòng Mẹ, Chú Nhì, Mơ Về Nước Chúa, Hai Anh Em, Vừa Một Kiếp Người, Em Dìn, Thằng Cháu Đích Tôn, Ngày Lên Đường, Chị Yên, Sáng Trăng Suông, Thiên Truyện Cuối Cùng.Bài tựa cho tập truyện này có nét bút sau-cùng của Thạch-Lam – người nghệ-sĩ say- mê ngôn-ngữ(chữ của Hồ-Dzếnh) với cõi-đời. Khi đến nhà Thạch-Lam lần thứ 6, mang theo tập truyện Chân Trời Cũ vừa in, thì“tôi chỉ còn thấy quang-cảnh đắng-ngắt, một chiếc giường nhỏ trống-trơn, chị Thạch-Lam lặng-lẽ bước ra, đầu vấn khan-tang, nghẹn-ngào cho tôi hay, anh đã mất được hơn một tháng.”(Vi-Thùy-Linh –thethaovanhoa.vn).
Sự gắn-bó của hai người bạn vong niên Thạch-Lam—Hồ-Dzếnh, có lẽ vì cả hai cùng có tuổi-thơ bất-hạnh như sau, đã làm rung-động người đọc từ bao nhiêu năm nay.
Trong "Lời Giới-Thiệu" Tuyển-Tập Hồ-Dzếnh – Tác-Phẩm Chọn-Lọc, NXB Văn-Học 1988, nhận-định: "Tác-phẩm của Hồ-Dzếnh không nhiều, lại không tập-trung ở một tờ báo hay đặc-san nào. Với bản-chất trầm-lắng, ông luôn-luôn khiêm-tốn, tự cho mình là người mới bắt-đầu bước vào nghề viết. Tuy-nhiên, với hai tập văn thơ Chân Trời Cũ và Quê Ngoại, Hồ-Dzếnh được biết đến như một nhà thơ có chân-tài."
Trong “Chân-Dung Văn-Học”, NXB Hội Nhà-Văn 2001, NT Hoài-Anh viết về Hồ-Dzếnh: "Phần đóng-góp quan-trọng nhất cho văn-học Việt-Nam của anh lại là tập Chân Trời Cũ, thể-hiện nếp sinh-hoạt, tính-cách, tình-cảm, tâm-lý của bà con gốc Hoa trong cộng-đồng người Việt. Hồ-Dzếnh chỉ kể những chuyện đơn-giản về người cha, các anh, chị, em mình, con ngựa của cha mình... làm cho người đọc Việt-Nam rung-động tận đáy lòng."
NT Bùi-Giáng cho rằng Hồ-Dzếnh là người làm thơ lục bát rất hay, nhưng thơ thất ngôn chỉ ở mức trung-bình. Trong cuốn Thi-Ca Và Tư-Tưởng, Bùi-Giáng cho rằng: "có thể không cần đọc Nguyễn-Du, nhưng không thể không đọc Rằm Tháng Giêng của Hồ-Dzếnh" (Wikipidea). Nào, ta hãy đọc bài thơ này của Hồ-Dzếnh.
Ngày xưa còn nhỏ... ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang,
Lòng vui quần áo xênh xang,
Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua.
Chị tôi vào lễ trong chùa,
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
-"Lòng thành lễ vật đầu niên,
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"
Chị tôi phụng phịu má hồng,
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi.
Tam quan, ngoài mái chị ngồi,
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn.
Quẻ thần, thánh mách mà khôn:
-Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều!
Chị tôi nay đã xế chiều,
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ.
Hằng năm, tôi đi lễ chùa,
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn.
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn,
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ.
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa,
Tôi ngờ năm, tháng thời xưa trở về.
alt
Ngập-Ngừng là bài thơ nổi-tiếng thứ hai của Hồ-Dzếnh, trong tập thơ "Quê Ngoại" (1943), được các NS phổ thành ca-khúc, giữ nguyên từng câu chữ hay đã thay-đổi, thêm-bớt những chỗ cần-thiết, kể cả tựa, như "Anh Cứ Hẹn" của Anh-Bằng, hay “Em Cứ Hẹn” của Hoàng-Thanh-Tâm(năm 1987) "Chuyện Hẹn-Hò" của Trần-Thiện-Thanh (1971) càng chắp thêm cánh cho tác-phẩm của NT Hồ-Dzếnh bay sâuhơn vào lòng người thưởng-ngoạn nghệ-thuật, hay thế-giới thi-ca của Hồ-Dzếnh nói riêng.
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách -cố nhiên! -nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
Trong những bản nhạc, tôi thích nhất câu “Cho nghìn sau lơ-lửng đến nghìn xưa…” Trước đây, trong nhiều năm, tôi vẫn lầm-tưởng bài thơ này là của Xuân-Diệu. Thật vậy, thơ ông lãng-đãng như sương khói, nó là cái gì đó nhẹ-nhàng, trôi-nổi trong dòng tư-tưởng miên-man, bất-tận.
Thực ra,thơ Hồ-Dzếnh trong 2 tập Quê Ngoại  Hoa Xuân Đất Việt (1946) không gây cảm-xúc mạnh-mẽ bằng văn xuôi.
Truyện Hồ-Dzếnh làm người đọc cảm-động đến rơi nước mắt. Ông đã viết thực bằng mực, hòa với máu và nước mắt. Ông không phải tưởng-tượng vì đó là bi-kịch đời ông, cả nửa đời lo miếng ăn, long-đong, vất-vả.
Ông viết về nỗi đau-đớn, mất mát của riêng mình, nhưng không một lần than-thân trách-phận hay oán-hờn số-kiếp. Chính vì thế, người đọc đã cảm-thông với những nỗi-đau của ông.
Năm 1947, ông về lại Thanh-Hóa, lấy bà Nguyễn Thị Huyền-Nhân. Năm 1950, khi con trai mới bốn tháng tuổi, bà Huyền Nhân (khi đó 20 tuổi), bị bệnh tả, qua đời.
Vợ chết, con khát sữa khóc, Hồ-Dzếnh buồn-tủi đi mua quan-tài, chỉ kịp chôn vợ xuống lớp đất sơ-sài, không bia-mộ. Ông ẵm con đi bú nhờ khắp khu Tư, cảnh mà Vũ-Bằng đã thấy và ghi lại. Ông chạy về Hà Nội, nhưng không còn ai thân-thích, lại cõng con vào Sài-Gòn, ở đó có người anh ruột Hồ-Triệu-Bích, mở tiệm xe đạp ở đường Hiền-Vương (nay là Võ-Thị-Sáu). Lúc này, ông đã sống đến tận-cùng nỗi-đau của kiếp người.
Ông là 1 trong 165 người thành-lập Hội Nhà Văn VN ở Hà-Nội vào tháng 4/1957. Cũng chính nơi đây, có một thời gian dài, bàn tay chỉ biết viết lách của ông từng phải làm thợ đúc-thép, thợ máy ở nhà máy xe lửa Gia-Lâm, lãnh lương công-nhật hơn 10 năm, khi nghỉ, không có bảo-hiểm, lương hưu. Ông bị nghi-kỵ oan, và bị mọi người “bỏ quên” suốt thời-gian dài, ông vẫn nén chịu như đã quen thế, để yêu thương, để khiêm-nhường và hy-vọng. Nhiều tác-phẩm của ông in trong tuyển tập không ghi rõ năm sáng-tác, làm khó xác-định từng chặng viết. Song, hình như điều ấy không quan-trọng nữa, tác-phẩm của ông đạt độ “phi thời-gian” rồi (Vy-Thùy-Linh, sđd).
Đọc “Cuốn Sách Không Tên”, ông viết lại sự tủi-nhục khi đứa con mất mẹ; người chồng kiệt-sức, kiệt tiền, gặp mụ bán quan-tài tham-lam, đanh-ác, chờ dịp “chặt chém” không thương-tiếc. Ông đành dùng mẹo lừa lấy được cái quan tài về chôn vợ ban đêm. Vợ đã chết từ chiều, nằm giúi vào bụi cây vì nhà thương thiếu phòng để xác:
“Mẹ tôi nằm ở đó, lãnh đạm trước cuộc oanh-tạc, giống một cây củi khô. Chiếc quần đen mỏng rách, áo cánh vận từ hôm bị ốm. Để người chết đỡ tủi, cha tôi cởi chiếc áo cánh ướt trên người, đắp lên người vợ. Cha tôi nghẹn-ngào không khóc được. Quan-tài ngắn, người chết buộc phải nhét chặt, chân hơi vồng lên, tóc lòi ra ngoài. Rồi vài ngày sẽ bị bật nắp ván”. Ngôi mộ vùi sơ-sài, không có bia đã bị thất-lạc, Hồ-Dzếnh không tìm được. Năm 2002, con ông đã cố tìm, song tất cả bị san bẳng, chung số-phận với ngôi mộ đứa con đầu lòng của Hồ-Dzếnh mất hơn một tuổi (Hà-Xuân-Nhuệ) chôn ở cánh-đồng trong làng.
Truyện ngắn của Hồ-Dzếnh luôn tạo ra cảm-giác là truyện thật mà ông tham-gia, chứng-kiến trong đời. Nó được viết kỹ, dồn-nén cảm-xúc đến độ tuyệt-vời.
Anh đỏ Phụ (1941) là người hiền-lành, dân-đen, con của ông Biếm, thầy giáo làng. Anh đỏ Phụ đã hỏi chị Yên, đợi mãn-tang cha nuôi sẽ cưới. Hơn hai năm sau, chị bị chính “cậu tôi” hại. Chị Yên bị tủi-nhục phải bỏ làng ra đi. Anh đỏ Phụ không biết chuyện này, anh tình-nguyện vào làm phu cao-su ở Tân-Thế-Giới. Anh chia tay “tôi” ở ga xe lửa, vì đau-khổ mất vợ, rồi bỏ xác ở xứ người. “Đêm đó, tôi mong cho con tàu đừng đến, mong anh Phụ đổi ý trở về, nhưng chỉ là mơ ước. Anh đỏ Phụ đã lăn tay điểm chỉ rồi. Anh đã giúi vào tay chị gái tờ giấy bạc con còng 5 đồng, nửa số tiền bán đời mình để gửi về phụng-dưỡng bố. Tôi ôm-ghì lấy anh, khóc nức-nở. Một bàn tay chắc-nịch kéo ra, ấn anh Phụ và toán phu vào trong toa sắt đen ngòm, cái toa thường ngày vẫn dùng chở súc vật, khóa lại”.
Khác với thơ của Hồ-Dzếnh, thường mang tư-tưởng lâng-lâng, bay bổng, và siêu-thoát, truyện của ông đưa chúng ta vào một thế-giới khác, đầy nước mắt và đau-đớn hơn. Càng đi sâu vào cuộc-đời hay Truyện Ngắn của ông (Tập Quê Ngoại), càng bắt gặp ở đấy những cảnh đời bất-công, phi-lý. Chẳng thế mà, cuộc-đời của ông được Đạo-Diễn Vương-Đức dàn-dựng, định quay trong một ngày thật gần, nhưng không biết công-chúng có đón-nhận không, vì những người trẻ chưa quen với tên-tuổi của ông, một NT/ NV Tiền-Chiến.Theo Báo Tiền-Phong, đây là cách đánh-giá của giới phê-bình điện-ảnh, bộ phim chắc-chắn sẽ làm hao-tổn không ít nước mắt của người xem vì những đoạn nói về hoàn-cảnh khốn-cùng của nhân-vật. Đạo-diễn Vương-Đức cho rằng: "Có thể sẽ có người không đồng-ý với tôi về những hư-cấu, sai-lạc hiện-thực, nhưng tôi muốn thể-hiện một cái nhìn riêng về cuộc-đời còn ít người biết tới của nhà văn..."
Đọc “Sáng Trăng Suông” bao giờ tôi cũng liên-tưởng đến bản nhạc “Chị Tôi” của NS Trần-Tiến mà cảm-thương cho Chị đỏ Đương trong truyện.
Phải bôn-ba với những nghề vất-vả để đổi lấy miếng ăn, áo mặc cho gia-đình, Hồ-Dzếnh không có thì-giờ viết. Tác-phẩm của ông không
nhiều (chỉ có 3 tác-phẩm đã in) nhưng đủ để định giá-trị của ông trên thi văn đàn.
Hơn 70 năm qua, không nhiều thì ít, văn-thơ Hồ-Dzếnh đã ảnh-hưởng tới những người đọc ông. Mỗi lần đọc, tôi lại thấy những nhân-vật ấy hiện ra trước mắt tôi, khi thì lãng-đãng như sương-khói, khi thì mãnh-liệt như dòng thác-lũ không sao ngăn được. Đọc xong, thả lỏng chân tay để:
“…Cho nghìn sau… lơ-lửng… với nghìn xưa…’
Hay:
“…Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây…”
◦•●◉✿
Hà-Việt-Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét