DI CHÚC TUYỆT MỆNH
Phạm Hoàng Chương
Bài số 3863-18-30563-vb7070916
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cưdân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau 32 năm định cưtại Hoa Kỳ, bài viết mới của ông ghi lại nhiều kinh nghiệm của người cao niên trong đời sống Mỹ.
* * *
Năm 2005 về hưu, tôi mới 61 tuổi, học khu San Jose ngưng “cover” free bảo hiểm Kaiser cho cả gia đình. Kaiser “offered” đề nghị tiếp tục cover nhưng mỗi tháng phải trả họ tới 800$ cho hai vợ chồng, đành tự mua lấy bảo hiểm rẻ, chỉ 140$ cho 2 người, chờ tới 65 tuổi xin medicare. Cũng may trong 4 năm đó, cả hai đều khỏe, chả ai có bệnh gì.
Đúng 65, tới Social Services apply medicare, tôi đuợc cả part A và B vì đi dạy đóng thuế hơn 15 năm, nhưng medicare premium khoảng 90$ một tháng (nay đã tăng lên 121$) vì lương hưu cao hơn mức ấn định cho người lợi tức thấp. Lợi tức thấp thì khỏi đóng premium, mà còn đuợc cả 2 Medicare và medi-Cal. Mấy tháng sau, vợ tôi cũng đúng 65, tới apply Social Security thì chả đuợc đồng nào vì lúc qua Mỹ trễ tới giờ, hầu như toàn đi làm lãnh tiền mặt, và vì lương hưu tôi cao hơn mức tiền già cho cả 2 người. Tuy nhiên, vẫn được Medicare cho cả 2 parts A và B (ăn theo chồng).
Medicare Liên bang gồm part A (nằm bệnh viện) part B (đi bác sĩ, X-ray…) part D (mua thuốc), còn Part C là chuyển qua một hãng bảo hiểm tư. Với original medicare của Liên bang, được quyền chọn bác sĩ theo ý thích mình, nhưng phải đóng thêm tiền gì nữa đó, nếu tiền bệnh viện cao quá một mức nào đó, tôi bèn chuyển qua Part C, tức chọn một trong các hãng bảo hiểm y tế tư (advantage health insurance) có giao kèo với medicare liên bang như Kaiser, SCAN, ARRP, Blue Shield & Blue Cross…Mình vẫn phải đóng premium, nhưng Liên bang chuyển tiền premium này cho hãng tư mình chọn lo cho mình từ A tới Z. Sau khi so sánh các hãng này về giá cả, dịch vụ, và tinh thần phục vụ xã hội cao hơn lợi nhuận, tham dự workshop của SCAN tổ chức tháng 11, nghe thuyết trình và tham khảo ý mấy members già cả ngồi quanh (ai cũng khen very good) tôi quyết định chọn SCAN từ đó đến nay không đổi nữa, vì ít phải co-pay nhất so với các hãng khác trong mọi dịch vụ, từ thuốc men tới khám mắt, chỉnh hình, mổ xẻ, nằm bệnh viện lâu ngày, long-term care…và hễ gọi là họ có mặt sẵn để trả lời 24/24, không phải nghe máy tự động trả lời (answering machine) để lại số phone chờ họ gọi lại.
Tiếc thay SCAN chỉ hoạt động ở California và Arizona. Ai ở các tiểu bang khác phải chọn hãng khác. Mỗi năm, SCAN gửi 2 cuốn sách dày tới nhà members: một cuốn kê chi tiết về thể lệ, giá cả dịch vụ, cái gì free, cái gì phải copay, copay bao nhiêu; một cuốn in danh sách các bệnh viện, bác sĩ và specialists (ký giao kèo với SCAN) trong county mình ở. Mình phải tự chọn một “bác sĩ gia đình” trong danh sách các bác sĩ gia đình liệt kê trong sách. Có cả bác sĩ Việt Nam nếu ai không biết tiếng Anh. Sau một thời gian, nếu không hài lòng với đạo đức và tài năng vị này, có thể gọi SCAN
7/24 đổi qua bác sĩ khác bất cứ lúc nào, bằng cách nhấc phone gọi
1 (800) 359-3500 là có người tiếp chuyện và gửi tới nhà thẻ SCAN mới với tên bác sĩ mới ngay. Thỉnh thoảng SCAN lại còn gửi cho mình các tập sách mỏng đầy hình ảnh với các lời khuyên về trị bệnh tạm thời trong tuổi già hay nhắc nhở về các bộ phận mắt, nhiếp hộ tuyến, vú, tử cung, ruột… phải đi khám hay thử máu, thử phân, đo rỗng xương… trong một năm. Bác sĩ gia đình trong danh sách của SCAN chọn một trong mấy Provider Networks chính như Primecare, Medical Clinic, Medical Group, Choice Physicians, Physician Medical Group… Chọn bác sĩ nào thì phải tới các bệnh viện khám nghiệm hay thử máu thuộc Network bác sĩ đó. Bệnh viện của Network sau đó gửi kết quả cho bác sĩ gia đình, và bác sĩ này sẽ gọi mình cho biết phải làm gì kế tiếp, hay gửi mình đi bác sĩ chuyên môn khám ngay lập tức vì nếu có cơ nguy hiểm. Bác sĩ gia đình tôi tên Shawn Couture, chừng 40 tuổi, gốc người Pháp, rất hiền lành, tử tế, nói chuyện nhỏ nhẹ, lễ độ, thuộc Network Prime Care. Cha và anh ruột ông cũng đều là bác sĩ, 3 cha con mướn 1 một building làm chung. Có lần tôi xuất huyết hậu môn, gọi Shawn thì Shawn nghỉ vacation 2 tuần, ông bác sĩ cha ân cần tiếp tôi, khám thay cho con, định bệnh, cho toa, và gửi tôi tới nhà thương.
Cách đây một tuần, thư ký bác sĩ gia đình gọi 2 vợ chồng tôi tới office khám thường niên (physical exam). Tới thì thấy không có Shawm, mà một ông Mỹ nào bụng bự lạ hoắc, nhân viên y tế của PrimeCare gửi tới, tự xưng là tới “làm việc” với các SCAN members già trên 70 tuổi, đọc hồ sơ sức khỏe, hỏi han tình trạng sức khỏe cụ thể, test máu huyết lưu thông ra sao, hỏi trí nhớ còn tốt hay lú lẫn rồi, có vấn đề gì không, mục đích giúp các cụ sống lâu khỏe mạnh. Ông bảo cô y tá đo áp huyết 2 vợ chồng, đo chiều cao, cân nặng, ghi vô sổ. Tôi thấy ông này to béo dị thường, da đỏ hồng hào, tự hỏi không biết là bác sĩ hay y tá mà sao không biết ăn uống điều độ, có bị high cholesterol không mà bụng to vượt mặt, ngồi đọc hồ sơ cá nhân 2 vợ chồng, khệ nệ di chuyển, liên tục hỏi về bệnh và các thứ thuốc 2 đứa tôi uống mấy năm qua.
Ông khen tôi không bị tiểu đường, cao huyết áp, hay đau tim như đa số các người già, có lẽ nhờ đi gym tập thể dục, bơi lội, không ăn thịt, uống rượu, hút thuốc như tôi kể. Tôi nói tôi có 3 bệnh: mắt bị cataract đọc chữ nhỏ không thấy, phải đeo kính bifocal, nhưng bác sĩ mắt nói chưa chín muồi để mổ, chờ khi nào đeo kính mà đọc chữ vẫn thấy mờ thì mới mổ (!). Thứ hai, nhiếp hộ tuyến tôi nở lớn, PSA tới 6.1, nhưng không hề đi tiểu đêm, bác sĩ chuyên môn thử biopsy 2 lần vẫn không thấy cancer. Ngoài ra tôi còn bị Gout, lẽ ra phải uống thuốc ngừa Allopurinol 1 viên 1 ngày để lọc acid uric trong máu, nhưng vì tôi không ăn thịt, nên không sưng ngón chân, do đó lâu lâu mới uống 1 viên, sợ uống nhiều bị “side effect”, hại thận.
Bà xã tôi nhiều chứng hơn, đưa ông coi một bịch các lọ thuốc đang uống như Thyoroid, huyết áp, potassium, rỗng xương. Ông bảo phải đi khám mammogram (vú) tháng tới. Ngoài 68 tuổi thì khỏi khám tử cung, nhưng ngoài 74 mới khỏi khám mammogram nữa. Ở Mỹ bảo hiểm họ chăm sóc cẩn thận quá, chứ ở VN, cả đời đàn bà có ai mà đi khám vú và tử cung hàng năm làm gì, trừ phi có triệu chứng đau 2 chỗ đó. Bỗng ông lấy ra một cái kẹp, cúi người xuống, móc vào ngón cái tôi, chân bên trái, rồi bên phải, lấy lên coi kết quả, ghi vô sổ, nói cái này dùng đo mức độ máu lưu thông trong hai chân người già. Trên 0.50 thì máu chân đó lưu thông tốt, dưới 0.50 là máu chân đó chảy chậm, mạch máu đôi khi bị nghẽn tắc vì có cặn bã mảng dơ (plaque), điều này khiến người già thỉnh thoảng đang đi mà hai chân mất thăng bằng, té ngã xuống thình lình không gượng được, gẫy xương chậu, phải nhập viện nằm thật lâu để giải phẩu. Ông đưa cái kẹp đó lại gần mắt tôi để đọc con số hiện ra:
- Thấy không? Chân phải anh máu bị nghẽn, vì chỉ có 0.29. Chân trái thì tốt, được 0.59.
Tôi ngẩn người ra nghe, vì chưa hề biết vụ “đo máu lưu thông” ở chân này. Anh Đức bạn tôi, 85 tuổi, tự đo áp huyết một ngày mấy lần, bị tiểu đường tự chích insulin lấy khi đo thấy lên cao, blood sugar gì mà lên tới 300. Mới đây tới thăm, anh lại có trò mới: móc cái kẹp nhỏ (bác sĩ đưa) vào ngón tay tôi để đo coi oxygen thiếu hay đủ trong phổi. Anh nói cơ thể anh thiếu oxy nên bác sĩ bắt phải kẹp vô ngón tay, đo thường xuyên, hễ 90 trở lên là tốt. Tôi đo tay mình tới 95 nên không lo. Bây giờ lại thấy cái kẹp đo máu lưu thông ở ngón chân ông Primacare này đưa ra. Ông hỏi:
- Anh đi có bị té lần nào chưa?
- Chưa bao giờ.
- Lâu lâu ngủ đêm gần về sáng, anh có bị chuột rút không?
- Có… đúng vậy. Chân mặt lâu lâu bị lúc gần sáng. Đau lắm, nhưng co bàn chân lên xuống năm ba giây thì hết.
- Đó là do máu ở chân phải anh bị nghẽn, không lưu thông tốt như chân trái.
- Uống… nuớc chanh cho tiêu các mảng dơ trong mạch máu có bớt không?
- Mạch máu ở tim to rộng, uống nuớc chanh, tỏi…có thể tiêu mỡ, chứ mạch máu ở chân li ti rất nhỏ, không ăn nhằm gì, phải đi bộ, vận động nhiều mới đỡ nghẽn máu.
Ông quay sang đo chân vợ tôi thì kết quả ngược lại, chân trái nghẽn máu, chân phải tốt. Thảo nào lâu lâu bà ấy bị chuột rút ở chân trái.
Bỗng ông hỏi tôi đã làm “di chúc” chưa. Tôi sửng sốt:
- Tôi còn khỏe, còn sống 10 năm nữa là ít nên chưa làm, chỉ ghi xuống tờ giấy, cất tủ, dặn dò con cái các việc cần thiết nếu lỡ bị chết thình lình… Vài năm nữa tôi sang tên nhà cho con, hay bán nhà ở chung với con… giao hết cho con cái lo.
- Không, tôi muốn nói cái “advance directive” kìa.
- What?
- Di chúc (living will) khác “chỉ dẫn kết thúc mạng sống” (advance directive). Di chúc là để lại gia tài, tài sản cho thừa kế, còn advance directive là cho phép bác sĩ rút ống thở để chết, chích cho chết, nếu anh chẳng may bị stroke, á khẩu, bại liệt, mất trí nhớ, hôn mê, hay bị tai nạn xe nằm mê man ở bệnh viện, phải chuyền ống thức ăn vô bao tử, sống đời thực vật kéo dài vô vị không ích gì mà tốn kém.. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tờ “advance directive” này bàn với con anh để rút ống thở, hay chích cho anh chết, cho khỏe thân anh mà cũng khỏi phiền tới con cái…
- Tôi phải tự viết lấy tờ di chúc đó, hay nó có sẵn cái form ở trên mạng? Website nào?
- Lên mạng, gõ “advance directive” sẽ thấy ngay, anh trả lời các câu hỏi… rồi in ra, đưa bác sĩ 1 copy, con anh 1 copy. Không có di chúc này thì bác sĩ và nhà thuơng không dám cho anh chết đâu. Họ sợ bị gia đình kiện.
Tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, phân vân nghĩ ngợi thì ông cho biết hôm nay cấp giấy cho tôi lấy hẹn đi khám rỗng xương lại. Hai năm trước khám, kết quả xương còn tốt, nhưng SCAN cho phép cứ 2 năm là phải khám lại... cho chắc.
Rời phòng khám bệnh, lái xe chở vợ về nhà, tôi đăm chiêu nghĩ ngợi mãi về tờ di chúc ông y tá gợi ý và cái chết sắp tới trong mười năm tới của hai vợ chồng.
Tuổi ngoài 70, ai mà không nghĩ tới tháng năm cuối đời. Bà chị vợ tôi, mới 74, đã liệt 2 chân 6 năm nay, phải ngồi xe lăn, lủi thủi một mình trong nhà ở Santa Monica với chị caretaker, mỗi lần gọi thăm, cứ nghe than khóc sụt sịt, nhớ chồng đã chết bỏ lại một mình, đòi tự tử vì chán sống. Ông thầy dạy Triết năm đệ nhất tôi ở Nha Trang, năm nay 80, mà đã ngồi xe lăn 15 năm rồi, ở San Diego. Chỉ vì năm đó về VN, quên uống thuốc mà bị stroke trên máy bay, nhập viện ở Sài Gòn, vợ con phải bay về cứu cấp chở qua Mỹ lại. Bạn học cũ gửi hình họp mặt bên nhà qua, có người đã chết, hình để trên bàn thờ, có người tê liệt teo chân nằm một chỗ, có kẻ miệng móm, râu tóc trắng phau… anh em tiếu lâm gọi nhau bằng “cụ”. Năm kia, Thuận, bạn học cũ, cho biết giáo sư đồng nghiệp Khai và Tâm, hơn tôi 2 tuổi, đã chết vì ung thư gan. Hôm qua, Hùng cũng cho hay Giao 54 tuổi ở Bolsa (nhờ tôi giới thiệu vào làm cho một công ty lớn năm ngoái) bị stroke đã 2 tháng nay, phải vô nursing home nằm, buồn bực cáu kỉnh, không muốn tiếp ai cả... Tôi giật mình kinh hãi. Mới 54, sung sức khỏe mạnh họat bát như Giao mà đột nhiên ra thế đó sao?
Ôi, cuộc sống sao mà phù du. Sanh, lão, bệnh, tử. TỬ là giai đoạn chót của chu kỳ một đời người, đời một sinh vật, kể cả côn trùng, cỏ cây… nhưng chết như thế nào mới là vấn đề.
Chết nhanh khỏe khoắn ở nhà ấm cúng, hay nằm liệt chết trong nhà thương lạnh lẽo, đau đớn kéo dài nhiều tháng, chết bom mìn, súng đạn, xe cán, rớt máy bay, chìm thuyền. Chết tỉnh táo, êm đềm nhẹ nhàng, hay chết thần trí mê muội, dây nhợ chuyền khắp mặt mũi đầu cổ, không nguời thân bên cạnh, là tùy vào Nghiệp của chúng sinh đó. Mấy ai biết truớc cái chết mình xảy ra ngày nào. Tử vi chỉ đoán được năm nào bị nạn, năm nào chết, chết ra sao, chứ không thể biết đích xác được ngày tháng chết, và chết ở đâu.
Hai vợ chồng tôi, theo tử vi, sau 75 tuy vất vã nhiều năm, đều thọ ngoài 80, và đại hạn 10 năm cuối trước khi chết bình an, no đủ, khỏe mạnh (cả 2 đều có Tử phủ vũ tướng + tứ linh + Song lộc Khoa mã). Biết mình hậu vận được vậy là có phước so với nhiều người, nên cũng không lo xa. Lo cũng chả giải quyết đuợc gì. Già, Bệnh, Chết là một phần tất yếu của cuộc sống, ai mà không trải qua. Có sinh thì phải có Tử. Lo sợ vì quá thương cái thân giả hợp (đất, nước, gió, lửa họp lại) này.
Phật nói, ”Quá khứ đã qua, không nên nhớ, tương lai chưa tới, lo làm gì, hãy sống trọn vẹn với hiện tại”.
Hiện tại, chúng tôi vẫn còn tương đối khỏe, bà xã còn đi bộ exercise mỗi ngày, nấu cơm, làm vườn, ăn được ngủ được; tôi còn lái xe chạy ào ào, đi gym bơi lội, chạy treadmill, cuốc đất, trồng cỏ, chơi Internet, dự tiệc, thăm viếng bạn bè… lo chuyện hậu sự còn hơi sớm. Chỉ sợ lái xe rủi bị accident chết trước mẹ tôi, khiến bà buồn phiền, rồi lâm bệnh ngã quỵ vì thương con, thì mang tội bất hiếu. Bà làm từ thiện, cúng chùa, xây chùa, bố thí cấp dưỡng cho cô nhi viện, người nghèo trong tỉnh, phóng sanh… hơn 50 năm nay nên nay tuy đã 90 vẫn còn sống khỏe bên nhà, tự mình đi đứng, vệ sinh lấy. Đã sắp quy tiên, nhưng thường xuyên niệm Phật, lại có mấy đứa em chăm lo bên cạnh, nên tôi không mấy lo. Các em tản mác khắp thế giới thì đã có con cái chúng trực tiếp lo. Phần tôi đã dặn sẵn hai con gọi dịch vụ hỏa thiêu cho ba má chết cho gọn, lấy hủ tro để trên bàn thờ, rồi có dịp đem về quê nhà chôn trong nghĩa trang gia tộc, cho xong một kiếp người vướng kẹt chiến tranh, tù tội, ly tổ ly tông, buồn nhiều hơn vui....
Thấm nhuần giáo lý Phật từ lúc trẻ, tôi vẫn biết Ái Dục là nguyên nhân của luân hồi tái sinh, diệt Ái dục được thì hết Khổ, nên đã từng tập coi nhẹ tình ái, đam mê, kiềm chế vọng tâm mỗi lần “Tâm phân biệt” mống khởi. Mỗi khi Tâm yêu thích chớm khởi đối với sắc trần thì stop ngay. Nếu Được Mất, Hơn Thua mà Tâm vẫn dửng dưng, đối đãi chúng sinh với lòng từ bi một cách bình đẳng thì Tâm mình vô cùng thảnh thơi, lìa đời lúc nào cũng không bận tâm, vướng mắc, hồn sẽ theo nghiệp lành mà đi lên cảnh giới tốt đẹp hơn.
Ái Dục là yêu quí, luyến tiếc mạng sống giả tạm và tham đắm những thứ liên hệ tới nó như vợ con, người thân, nhà cửa, tài sản, danh vọng... Tuổi già nên bớt thương, bớt nhớ, bớt ham muốn, đem cho thiên hạ bớt các đồ đạc không cần thiết lần lần trong nhà để khi sắp chết, nhìn quanh thấy không còn gì để khỏi tiếc… Cất giữ đồ kỷ niệm thì mình chết cũng chả mang theo được, mà các con rồi cũng liệng bỏ. Ở Mỹ, vật chất tràn ngập, đồ dùng cái gì cũng dư thừa, quen thói Việt Nam thấy gì còn tốt cũng tiếc không nỡ quăng, chắt chiu cất giữ trong garage: tivi, máy móc, tủ kệ, đèn ngủ, sách vở, máy tập thể dục, quần áo, DVD phim, CD nhạc… Salvation Army, Hội ái hữu cựu chiến binh, hội Hungry children… nay xin, mai xin donations, cho hoài cũng cứ còn.
Mấy năm trước nghe Quang ở Long Beach, bạn học hồi lớp Nhất, thương gia giàu có trước 75 bị đánh tư sản, vượt biên qua Mỹ trắng tay, buồn rầu cho hay Chấn (bạn thân 2 đứa) ở Oakland đã chết, hèn chi gọi phone nhà thăm mấy lần nghe im lìm, hình như vợ đã bán nhà dọn về ở với con.
Quang thấm nhuần đạo Phật, biết của cải là phù du, cuộc sống vô thường, chỉ vun trồng phước đức mới quan trọng, nên đã học nghề bấm huyệt, diện chẩn, chữa bệnh cứu người miễn phí, về hưu tham gia các phòng chữa bệnh đông y từ thiện ở Orange County, gây phước lành cho kiếp sau. Anh Đức thì vợ mới mất 2 năm trước, bị nhiều thứ bệnh, gọi 911 nhập viện cấp cứu hoài nên DMV cấm lái xe, lủi thủi đi đứng chậm chạp một mình trong ngôi nhà vắng vẻ ở Fountain Valley. Một lần tôi tới thăm, ra sau vườn thấy mấy chục bụi chuối già cỗi héo úa xơ xác, khắp vườn tơi bời ngập rác không ai dọn, mủi lòng đánh trần bỏ công chặt bỏ, dọn dẹp cho gọn gàng mát mắt, kiếm chuyện nói cho anh vui, tạm quên nỗi buồn cô độc. Bạn bè ở các tiểu bang khác hay nước khác thì chỉ email thăm trao đổi tin tức, ai không biết chơi Internet mới gọi thăm.
Tuổi già, cũng như các ông bà già Mỹ, vợ chồng tôi về hưu cô quạnh lủi thủi trong ngôi nhà có sân cỏ trước và vườn cây phía sau, ít muốn đi du lịch xa. Lái xe từ Nam lên Bắc Cali mấy tiếng đồng hồ cũng mỏi mắt, mệt phờ. Con cái có gia đình riêng, không ở chung nhà, chỉ liên lạc bằng phone, lâu lâu ghé thăm rồi đi. Tuổi già đành phải tự tạo ra những thú vui, việc làm tiêu khiển, làm từ thiện, phóng sanh, bố thí… giữ tâm thanh tịnh. Đó là khi còn cả đôi, tới một lúc nào đó rồi một người sẽ ra đi, chỉ còn một người ở lại. Tới một lúc nào đó, chân sẽ yếu, tay sẽ run, phải dọn xuống nhà dưới ngủ kẻo vấp té, bỏ cái lầu trống không ai ở. Nếu bà xã còn lại, thì quanh quẩn ở nhà, làm bạn với cái tivi, đêm hôm khóa chặt cửa sợ trộm, không biết lái xe phải lệ thuộc mọi thứ vào con, hay bán nhà ở với con gái và cháu ngoại. Nếu tôi còn lại thì phải nấu ăn dọn dẹp đủ thứ, hay mướn người tới take care part-time, chưa biết rồi sẽ tính sao, về VN ở với em và cháu, hay ở Mỹ với con?
Tối nay, tò mò lên mạng gõ chữ “advance directive” (di chúc tuyệt mệnh) tôi thấy nhiều mục phải điền, nhiều câu hỏi phải trả lời: tên họ, tuổi tác, địa chỉ, tên bác sĩ gia đình, sau khi chết có muốn hiến tặng thân thể nội tạng không, giao quyền cho ai quyết định chấm dứt sự sống, muốn chôn hay hỏa thiêu, công ty nào, ở đâu. Tôi phân vân không biết lúc chết mình có còn ở Riverside không mà chọn nhà quàn, công ty hỏa thiêu ở Riverside, biết đâu lúc ấy đã xuống Little Saigon ở với con trai, hay về VN ở mướn người săn sóc, chết chôn cho gần ông bà cha mẹ. Bút sa gà chết, sau này làm sao sửa đổi, update. Có những việc mình thực sự chưa biết quyết định thế nào, làm sao mà trả lời, ghi xuống, và đưa luật sư công chứng. Tôi thừ nguời ra, và bỗng nhiên một nỗi hoảng sợ bao trùm khắp nguời. Hình ảnh một ông già ốm gầy như bộ xương, rên rỉ, xanh xao mất hết sinh khí, hiện ra, nằm co quắp trên giường phủ khăn trắng lạnh lẽo trong bệnh viện, sợ hãi chờ đón Tử thần.
Mình sắp phải bỏ hết tất cả con cháu, anh em, vật dụng, hình ảnh kỷ niệm trong ngôi nhà thân thương này vĩnh viễn sao? Chết rồi đi về đâu? Không bao giờ còn thấy lại không khí êm đềm đồ đạc trong ngôi nhà thân ái này, đường phố, bạn bè, người thân?
Đọc kinh Phật biết không có gì gọi là cái TA. Gan, ruột, phổi, thận, tay chân, đầu óc, thịt da xương gân, ráp cột lại thì tạm gọi là TA, rã ra từng thứ thì chẳng có cái nào gọi là TA, Vô ngã, Vô thường, Vô chúng sinh. Thấy mình Vô ngã thì không còn vấn đề gì để bàn, sống còn chưa có gì để bàn huống hồ là khi chết. Đâu có cái gì là của mình mà phải lo phải bàn? Nhưng biết Vô ngã là một chuyện, mà sống thực sự trong tinh thần Vô ngã mới là khó. GIÁC là một chuyện, mà NGỘ là chuyện khác. Ai công phu tu hành thiền định nhiều… chưa chắc đã ngộ, chưa chắc đã vượt qua nỗi sợ đánh mất cái TA. Con người dù hiểu đạo, ăn chay, bố thí, tụng kinh, ngồi thiền nhiều năm, một khi đối diện trực tiếp với cái chết mà tâm dửng dưng vắng lặng, không sợ hãi, mới thực là Giác ngộ.
Được “tứ vô lượng tâm” (từ bi hỷ xả) may ra mới không sợ cái chết tới gần. Trong 4 tâm đó, tôi thấy XẢ là khó nhất. Ta có thể dễ dàng Từ, Bi, và Vui cái vui kẻ khác, nhưng Xả bỏ, buông hết cái Ngã ra, gia đình, tài sản, tất cả những gì thân thương gắn bó cả đời… mà đi nhẹ nhàng mới là chuyện khó nhất trên đời, mà khi ngồi trước computer, làm tờ advance directive trên mạng, tôi mới đột nhiên hiểu ra… và muốn nhắm mắt lại, biến mất như làn hơi nóng bốc lên từ mặt hồ nước, để khỏi phải nghĩ ngợi gì hết.
Phạm Hoàng Chương