Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

NHỮNG CA KHÚC HAY NHẤT CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG [20 Ca Khúc] -TNP (Super HD Videos)


VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC ĐẠI TÁ NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN ĐÔNG⁩

:

NHỮNG CA KHÚC HAY NHẤT CỦA NGUYỄN VĂN ĐÔNG [20 Ca Khúc] -TNP (Super HD Videos) 


https://www.youtube.com/playlist?list=PLABAF9A54260BEF48





           



         
Tran Nang Phung has shared a video playlist with you on YouTube


               
37
videos

NHAC SI NGUYEN VAN DONG -1 [HD Videos, ABC Listed]
PLAYLIST  by Tran Nang Phung



Date: 2018-02-26 16:33 GMT-08:00
Subject: Cựu Đại Tá, Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, từ trần....

Theo tin từ ca sĩ Giao Linh cung cấp cho tờ báo Thế Giới Nghệ Sĩ , 
Cựu Đại Tá, Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, đã trút hơi thở cuối cùng  lúc 19 giờ 30 ngày 26/2/2018 
(nhằm 11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn, 

Hưởng thượng thọ 86 tuổi.

Xin mời Quý Vị xem bản tin dưới đây của SBTN ...

Để tường..



BMH
Washington, D.C


Col. Nguyễn Văn Đông.jpg
         Col. Nguyễn Văn Đông

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông  là một tên tuổi lớn của nền văn nghệ ở miền Nam Việt Nam và là tác giả của Chiều Mưa Biên Giới, P

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã vĩnh viễn rời những Phiên Gác Đêm Xuân

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã vĩnh viễn rời những Phiên Gác Đêm Xuân
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một tên tuổi lớn của nền văn nghệ ở miền Nam Việt Nam và là tác giả của Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân… và còn rất nhiều tác phẩm bất hủ khác được biết bao thế hệ khán thính giả yêu mến từ trước 1975 đến tận bây giờ.
Theo tin từ ca sĩ Giao Linh cung cấp cho tờ báo Thế Giới Nghệ Sĩ , ông đã trút hơi thở cuối cùng  lúc 19 giờ 30 ngày 26/2/18 (nhẳm 11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn, hưởng thọ 86 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại Sài Gòn. Nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông thì phải nhắc đến 2 khía cạnh đi liền với nhau: Binh Nghiệp và Âm Nhạc.
Về binh nghiệp , vào năm 1946, Ông tự ý xin gia nhập trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Đây là trường võ bị đầu tiên và lâu đời nhất của Việt Nam. Đó cũng là nơi đào tạo nhiều vị tướng lãnh tài ba của Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã trải qua 5 năm học ở ngôi trường này. Và chính tại đó ông đã được học nhạc và văn hóa với những giáo sư người Pháp có thực tài, những giảng viên của Viện Âm Nhạc quốc gia Pháp được cử về trường Thiếu Sinh Quân giảng dạy. Chính vậy mà nền văn hóa Tây Phương đã ảnh hưởng đến ông rất nhiều.
Trong thời gian ông theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một thành viên của ban quân nhạc thiếu niên, khi mới 15 tuổi. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “…Trường Thiếu Sinh Quân có riêng một đoàn quân nhạc trên 40 người có tầm vóc của người lớn, nhưng lại do chính những em thiếu sinh qưân chưa quá 16 tuổi đời cử hành nhạc, và do một giáo sư nhạc trưởng người Pháp chỉ huy. Đòan quân nhạc của chúng tôi có những nhạc sĩ tí hon có mặt trong những buổi lễ duyệt binh, diễu hành quan trọng một cách đường hoàng như các đoàn quân nhạc chuyên nghiệp người lớn”.
Trong đoàn quân nhạc tí hon này, ông sử dụng nhiều nhạc khí như: trompette, clairon, trống, chập chả, vv… Nhưng chuyên nghiệp hơn hết, là ông sử dụng đàn madoline và guitar Hawaiienne trong ban nhạc nhẹ của trường.
Nhờ sống trong một môi trường âm nhạc sôi động như vậy trong trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có dịp học sáng tác từ những giáo sư người Pháp. Kết quả là ông đã viết được những ca khúc đầu tiên ở tuổi 16 như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè… Những nhạc phẩm này đã được nhà trường chấp thuận cho phổ biến, và được rất nhiều bạn bè ưa thích. Ông cho biết gần 60 năm sau, khi ông gặp lại một số bạn bè, những người này vẫn còn thuộc nằm lòng những ca khúc này, và hát lại cho nhau nghe như những kỷ niệm khó quên của thời niên thiếu.
Trong suốt 5 năm theo học ở trường Thiếu Sinh Quân, ông luôn luôn đoạt giải giọng ca hay nhất toàn trường. Nhưng sau một thời gian gia nhập quân đội, Bộ Quốc Phòng đã chính thức cấm ông không được xuất hiện hát trên sân khấu và các nơi công cộng, vì các chức vụ do ông đảm nhiệm thời đó có thể gây ảnh hưởng không tốt cho quân đội.
Sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, ông gia nhập trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tàu, tốt nghiệp năm 1952 với cấp bậc thiếu úy. Kế đó ông nắm chức vụ trung đội trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt, và tốt nghiệp năm 1953. Qua năm 1954, ông về trường Chiến Thuật tại Hà Nội để giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng.
Trong hai năm 1955 và 1956, ông phục vụ tại Phân Khu Đồng Tháp Mười trong chức vụ trung úy Trưởng Phòng Hành Quân. Cũng trong thời gian này, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trưởng Phòng 3 của Chiến Khu Đồng Tháp Mười do đại tá Nguyễn Văn Là làm chỉ huy trưởng, tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do thiếu tướng Dương Văn Minh chỉ huy.. Ông không sao quên được một kỷ niệm có lần tướng Minh đã đến bắt tay ông để tỏ lòng ngưỡng mộ tác giả của những ca khúc về đời lính chiến ngay tại mặt trận Chiến Khu Đồng Tháp. Và hình ảnh cái bắt tay này đã được in trên trang nhất của báo Chiến Sĩ Cộng Hoà.
Đến năm 1957, ông theo học khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu tại Hawaii. Và cũng trong thời gian này ông cho ra đời nhạc phẩm “Nhớ Một Chiều Xuân”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết dù ông được học nhạc chính quy, nhưng âm nhạc chỉ là nghề tay trái. Ông chọn binh nghiệp là nghề nghiệp chính. Từ cấp bậc thiếu úy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bước dần lên cấp bậc đại tá. Ông từng được nhận huy chương cao quí nhất của Việt Nam Cộng Hòa là Bảo Quốc Huân Chưong vào giữa thập niên 60.
Sau biến cố tháng 4 năm 75, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của mình trong tăm tối bằng 10 năm tù cải tạo. Lúc đầu ông bị đưa đi tù cải tạo tại trại Suối Máu. Sau đó, ông bị chuyển về nhà tù Chí Hòa cho đến khi được trả tự do vào năm 1985.. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông đã rất đau buồn vì không được nhìn thấy mặt thân phụ lần cuối trong thời gian ông ở tù cải tạo. Đúng như ông đã dự đoán cuộc đời thăng trầm của mình, bằng 2 câu kết của nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới: “…Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần còn mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi…”.
Sau khi được trả tự do vào năm 1985, sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không được mấy khả quan đến từ nhiều căn bệnh như đau bao tử, thấp khớp và nhất là cao huyết áp nên đã không còn cảm thấy hứng thú trong việc sáng tác ngoài một số bài viết trong khoảng hơn 30 năm nay. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O. Cho đến cuối đời, ông sống tại Phú Nhuận, Saigon cùng với gia đình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông Ông đã từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Sài Gòn trước 1975. Từ thập niên 1950, ông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần Ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc, và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.
Từ năm 1958, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, qui tụ những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc…
Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân… Hai trung tâm này  cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở Tuồng và Cải lương. Chính ông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 7, Thái Thanh và Ban Thăng Long – Sơn Ca 10, Lệ Thu – Sơn Ca 9, Phương Dung – Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh – Sơn Ca 6, Sơn Ca – Sơn Ca 8… và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.
Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính Miền Nam thời đó. Nhạc phẩm “Phiên gác đêm xuân” được ông viết vào đêm 30 Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. “Chiều mưa biên giới” ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. Vào Năm 1961, ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” này đã được đài Europe No.1 và Ðài Truyền Hình Pháp thu âm, rồi thu hình với tiếng hát của nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã gây tiếng vang lớn ở Âu Châu. Tại Việt Nam, chỉ trong vòng 3 tháng đã bán hết 60,000 bản nhạc lẻ, một con số kỷ lục thời đó.  Cũng trong năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình bày ca khúc Chiều Mưa Biên Giới tại “Ðại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam” với dàn nhạc của Ðài Truyền Hình Pháp thu “play back”.
Ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu”, “Thầm kín”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Nhớ một chiều xuân”… Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, Cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…
Bây giờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã rời xa cõi đời này. Nhưng những “khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” mà ông đã viết sẽ sống mãi với thời gian. Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa với những dòng nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, trác tuyệt.
Jimmy Thái Nhựt / SBTN

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Chiếc đĩa cổ NGUYỄN MINH PHÚC


Mời các bạn đọc!
Ngọc Vân

  • Chiếc đĩa cổ  

  • NGUYỄN MINH PHÚC

  • Tôi có thú vui duy nhất là chơi đồ cổ. Không thể diễn tả cái niềm đam mê cuồng nhiệt ấy trong một vài trang giấy. Hệt như người ta mê cải lương, mê bóng đá, mê các ngôi sao, mê sách vở… Nói tóm lại, đứng trước món đồ cổ nào càng xưa càng cũ là lòng tôi mềm nhũn xuống, tim đập liên hồi, mắt chớp liên tục, tay chân như cuống lên và điều cuối cùng là phải tìm cách mua cho bằng được món đồ ấy! Nghề bán đồ cổ đã cho tôi nhiều lần trúng đậm, dạy cho tôi nhiều bài học, lời lãi khá lớn nhưng cũng cho tôi nhiều vố xất bất xang bang, mua lầm đồ giả cổ, thiếu điều bán nhà trả nợ. Nhưng cái máu mê đồ cổ thì không gì dứt ra được. Hễ có ai giới thiệu món đồ nào thì dù ở đâu, khó nhọc cách mấy tôi cũng cất công tìm đến…

    Như trưa nay trong phiên chợ Tết, khi tôi đang ngồi ngáp vặt vì hàng đang ế ẩm thì một ông già gầy gò, mặt xương xẩu, tóc lơ thơ búi thành chùm bạc trắng đâu như người miệt vườn đến gặp. Chẳng dông dài, úp mở, ông bảo nhà có món đồ cổ, là chiếc đĩa thời Khang Hy bên Tàu do ba ông để lại và mời tôi đến coi, định giá, phải thì bán không thôi. Đang rảnh việc và máu mê đồ cổ nổi lên, tôi đóng cửa tiệm, đèo ông già về tận Vĩnh Châu, một xã nghèo giáp biên giới, cách chỗ tôi hàng chục cây số. Trên xe, tôi có ý dọ hỏi về món đồ nhưng ông già kín như bưng, không hé răng nửa lời, chỉ nói chuyện khi tôi tận mắt thấy và định giá. Tôi biết là đã gặp dân rành chơi đồ cổ. Vì dân sành sỏi trong nghề mới nói chuyện tiền nong chỉ khi nào món đồ được đưa ra trước mặt.

    Đó là một căn nhà rách nát, trống hoác từ ngoài vào trong. Không thấy đồ đạc gì ngoài chiếc chỏng tre tơi tả và một thằng bé dơ bẩn nằm bất động trên đó. Chắc là nó bệnh nên thỉnh thoảng cất tiếng rên nho nhỏ. Tôi hình dung trên đoạn đường đi là sẽ gặp một ngôi nhà to lớn, sang trọng cầu kỳ vì đồ cổ giá trị thường chỉ ở những ngôi nhà nầy. Cho nên, khi chưa vào nhà, tôi đã thất vọng định lui xe vì nếu có coi cũng thêm rách việc. Hoặc đó chỉ là đồ giả cổ hoặc là đồ ba mớ, chẳng giá trị gì mà người bán còn gân cổ cãi chày cãi cối cứ cho đồ mình là thật!

    Nhưng rồi tôi cũng bấm bụng bước qua cái ngạch cửa bằng liếp tre nhớp nhúa đầy sình đất để vào nhà. Từng đàn muỗi vo ve dưới chân tôi và cả ngôi nhà như bốc lên mùi khó chịu. Tôi cố nín nhưng cuối cùng chịu không nổi đành bỏ ra ngoài. Đập vào mắt tôi là hình hài một thằng bé chỉ còn da bọc lấy xương, nước mắt nước mũi ròng ròng cố giương cặp mắt đờ đẫn lên nhìn khách lạ. Tôi biết mùi khó chịu kia là do chỗ thằng bé phát ra. Chắc nó đã nằm liệt giường từ lâu, không ai chăm sóc, rửa ráy nên mới thế.. Thật tội nghiệp! Nó mới chỉ đâu chừng mười lăm, mười sáu tuổi, gương mặt lại không đến nỗi nào… Nhưng thôi! Chuyện thiên hạ, dính vô làm gì. Tôi tự bảo vậy và ngồi ngoài hịên chờ ông già mang chiếc đĩa cổ ra.

    Chỉ một lát, ông già xuất hiện với tấm vải choàng rách bươm bọc chiếc đĩa trên tay. Lật hết lớp nầy đến lớp khác, chắc là chiếc đĩa được cất kỹ lắm, nên khi lớp vải cuối cùng được giở ra thì trước mắt tôi là một ánh bạc trong suốt và làn vân rồng phụng màu xanh lục nổi lên sáng trưng đập vào mắt.


    Là người trong nghề, tôi lạ gì những chiếc đĩa cổ. Đúng là đồ thật, không thể khác được, không cần coi tôi cũng biết chính xác nó được làm từ thời Khang Hy! Anh sắc sáng trưng, nét vân lộng lẫy và nước men như ngọc phách tinh tuyền. Chính là nó, vật tôi đang tìm cho một người khách nước ngoài. Ông ta dặn đi dặn lại nếu tìm được chiếc đĩa, ông sẽ mua với bất cứ giá nào! Tôi sung sướng cố kìm tiếng kêu mừng rỡ chỉ chực phát ra. Dịp may đã đến trong dịp tết nầy.

    Nhưng tội gì không ép giá khi mà người bán lại là một ông già lẩm cẩm. Làm bộ lơ đãng săm soi, tôi cố nhìn và đánh giá người đối diện để xuất chiêu hơn là nhìn chiếc đĩa. Ông già coi bộ khù khờ nhưng không phải không biết gì. Máu con buôn của tôi nổi lên! Cứ theo lối dậm dừ, ngấm ngứ nghĩa là làm như thư thả, chẳng gì phải gấp gáp, vồ vập để người ta nghĩ mình không cần mua. Vừa lấy kiếng lúp soi các chữ tàu màu xanh tuyệt đẹp trên miệng đĩa, tôi hỏi thăm đủ chuyện trên đời cốt làm cho ông già mất phương hướng, không chủ ý tập trung. Kinh nghiệm mua bán mấy chục năm trời mách cho tôi biết hãy cứ làm cho người bán tin rằng mình không có ý dìm giá, thật lòng muốn mua rồi hẳn tính sau. Hơn nữa, nếu mà không mua được giá cao, thì thế nào người bán cũng nhờ mình đi tìm chỗ khác kiếm hoa hồng. Đằng nào cũng lợi!

    Trong khi tôi ngôi tính kế cao thấp tìm cách mua chiếc dĩa với giá nào rẻ nhất thì thằng bé trong nhà khẽ rên lên. Nó uốn cong người có vẻ đau đớn lắm. Đôi tay khẳng khiu hình như muốn đưa lên cao nhưng không được vì đã quá yếu sức. Cặp mắt nó trợn ngược, mất hết vẻ tinh anh, chỉ toàn tròng trắng. Tôi biết đã đến lúc cần tranh thủ lúc ông già luống cuống, khổ sở để định giá. Không ai có thể minh mẫn khi đối diện với những cơn bối rối sốt ruột dù rành giá cách mấy. Trăm lần như một tôi mua được giá hời nhờ những lúc khó khăn bất ngờ như thế của người bán.

    Ông già trở ra sau khi cho thằng bé uống một loại nước gì như rễ cây ép xanh lè mà tôi cứ ngợ ngợ giống màu chiếc đĩa. Ngật ngưỡng một hồi, nó mới chịu nằm yên. Tôi quay mặt đi nơi khác vì khó chịu quá, mùi nằng nặng từ người nó bốc lên không chịu nổi. Nếu không vì cái đĩa quý nầy cầm chân thì chắc hẳn có cho tiền tôi cũng không dám tới nơi đây.

    Tôi đã tính đánh giá trước và định ra số tiền tôi muốn mua chiếc đĩa nhưng cứ phân vân, ngập ngừng. Phần tôi sợ ông già biết tôi bắt chẹt giá, phần khác tôi lo ông đã hỏi giá ai trước nên thôi, cứ để ông già lên tiếng. Chẳng mất đâu mà lo! Đằng nào chiếc dĩa nầy cũng là của tôi!
    Săm soi chiếc đĩa một hồi, ông già mới nói, giọng tiếc nuối:

    - Đây là vật cuối cùng có giá của dòng họ nhà tôi! Ba tôi trước kia giàu có lắm nhưng sau đó khánh kiệt vì mê chơi đồ cổ và hút thuốc phiện. Trước khi mất, ông chẳng để lại gì ngoài chiếc đĩa nầy dặn là đồ gia bảo, khi nào cấp thiết lắm mới bán. Đến khi tôi lấy vợ, có con rồi có cháu, chiếc đĩa vẫn ở đây, mặc dù nhiều lúc nhà không còn hột gạo. Thằng bé nằm trên giường mà cậu thấy là thằng cháu nội duy nhất còn ở với tôi. Ba mẹ nó đã mất trong một tai nạn xe cộ. Đến lúc ngặt nghèo nhất, tôi cũng cố giữ chiếc đĩa nầy… Nhưng bây giờ, nó bệnh nặng quá…

    Tôi biết đã đến lúc thần tài lên tiếng với mình. Con người ai cũng có số! Cái đĩa quý nầy là của tôi, dù nó đã được định bán cách đây khá lâu. Tôi nhẩm tính trong đầu món lời khổng lồ nếu tôi mua được nó. Và thể hiện ngay điều đó bằng lời nói nhỏ nhẹ pha chút an ủi cảm thông:

    - Tội nghiệp cho cháu! Thôi gì cũng không bằng mạng người, huống chi đây là cháu nội duy nhất của ông, lại mồ côi mồ cút! Tôi nghĩ, cứu cháu đi rồi hẳn hay! Biết đâu mai nầy cháu khoẻ mạnh lại chẳng làm ra tiền nuôi ông và sắm lại được những thứ còn quý giá hơn…

    Có người cảm thông, chia xẻ với nỗi bất hạnh của mình, gương mặt ông già như bừng sáng hẳn lên. Ông nhìn tôi một hồi ,không nói tôi cũng hiểu là ông cần bán chiếc dĩa với giá cao nhất có thể. Và không đợi lâu như dự đoán của tôi, ông lên tiếng:

    - Thú thật với cậu, tôi không rành giá trị của cái đĩa nên mời cậu về đây coi thử, được giá tôi mới bán. Nếu như không có thằng cháu bệnh nặng thế nầy, ai kêu giá bao nhiêu tôi cũng từ chối… Bây giờ cậu tính sao ?

    Thật tình, đến lúc nầy, tôi mới thấy ngại. Chút lương tâm còn sót lại của tôi lên tiếng là tôi nên mua cho ông một giá cao, đúng với trị giá thật sự của chiếc đĩa để cụ lấy tiền trị bệnh cho thằng cháu. Nhưng cái máu con buôn lạnh lùng thì không bảo tôi như vậy… Đứng trước một món hời thế nầy mà không tìm cách kiếm lời nhiều thì hoạ có mà điên. Hơn nữa, tôi cũng cần tiền cho gia đình tôi… Tôi cũng có đứa con trạc tuổi thằng bé nầy. Nó đang đòi tôi mua cho nó bằng được chiếc xe gắn máy trong những ngày tết sắp tới…

    Tôi lưỡng lự mãi nhưng cuối cùng cái máu nghề đã thắng. Là dân mua bán, khó ai dại dột không ép giá trong trường hợp nầy. Hơn nữa, như ông già nói, ông không rành về giá của chiếc đĩa cổ. Tôi lấy kiếng soi kỹ một lần nữa.. Không một vết trầy sướt, không một lỗi sơ xuất dù nhỏ trong cái bảo vật thời Khang Hy kia… Khá cho đôi tay, con mắt tinh đời của người thợ xưa và cả người chơi đồ cổ! Một vết trầy hay một lỗi rất nhỏ thôi trên chiếc dĩa quý sẽ làm giảm giá trị rất nhiều. Nhưng phải nói với ông cụ bằng lời khác, bằng kiểu khác, kiểu của những con buôn ép giá. Phải tìm cách nào đó, sơ xuất nào đó để chê bai và nếu có thể, làm bộ dứt khoát không mua chiếc đĩa dù đã một vốn bốn lời.

    - Thế nầy! - Sau một hồi suy nghĩ, tôi nói với ông già. - Như ông biết đây là chiếc đĩa quý và chẳng đăng đừng mới bán nó. Tôi sẽ mua nó nhưng sau khi xem kỹ, tôi thấy…

    Ông già tỏ vẻ thất vọng, mặt buồn xo:

    - Vậy là cậu… cậu… không mua. Thú thật với cậu, tôi đang cần tiền chữa chạy cho thằng cháu… Rất cần…

    Con mồi đã vào bẫy! Chỉ chờ thế, tôi làm bộ suy nghĩ hồi lâu và đánh sập:

    - Thấy hoàn cảnh ông cũng tội nghiệp, chiếc dĩa nầy tuy là thật đời Khang Hy nhưng có nhiều chỗ phồng dộp, lại vì để lâu ngày không biết cách lau chùi nên có mấy chỗ hoen màu. Ông coi không thấy đâu, chỉ dùng kính lúp như tôi mới nhận ra. Cảm thông với sự khó khăn của ông, tôi mua nhưng với giá không lời. Chỉ là mua giúp ông trong lúc ngặt nghèo. Không biết rồi tôi có bán lại cho ai được không?

    Tôi đọc thấy trong mắt ông già sự biết ơn chân thành và nỗi vui mừng ra mặt. Lương tâm tôi chợt trỗi dậy, nặng nề và bức xúc. Thằng bé bệnh nặng nằm trên giường, con tôi, thuốc chữa bệnh, chiếc xe gắn máy… Những hình ảnh lướt qua lần lượt trong đầu làm tôi suy tính. Cả những đồng tiền nhảy múa trước mắt tôi… Chiếc đĩa nầy giá không dưới mười triệu…

    Tôi nói như không phải là mình, tiếng lạc cả đi:

    - Bốn triệu… Đó là giá mà tôi làm ơn mua cho cụ… Không thể cao hơn được nữa…

    Như đặt cả niềm tin vào tôi, ông già ráng kèo nèo thêm ít tiền để chạy chữa cho thằng cháu nhưng tôi nhất định không chịu. Cái kỹ thuật cứng rắn, bắt chẹt và doạ bỏ về, không cần mua hàng của tôi hình như cũng có tác dụng. Cuối cùng ông già đồng ý với cái giá tôi đưa ra. Có lẽ trong đời, chưa bao giờ ông có được một số tiền lớn như thế. Run run cuộn lại tấm vải bó chiếc đĩa, ông nhìn tôi, khẩn khoản:

    - Bây giờ chiếc đĩa đã là của cậu! Nhưng trước khi cậu mang đi, cho phép tôi được tạ lỗi với vong linh cha tôi vì đã không giữ được nó như lời trăn trối.

    Ông già thành kính đặt chiếc đĩa lên giường, cạnh thằng cháu đang bệnh. Tôi thầm nghe ông khấn câu được câu mất rằng phải bán chiếc đĩa nầy để cứu cháu bé lòng ông cũng ân hận lắm, mong tiền nhân thứ lỗi vì không giữ được như ước nguyện… Rồi ông chậm rãi mở chiếc bọc, nhìn trân trối vào chiếc đĩa xanh lục kia như nói lời vĩnh biệt. Tôi thấy đôi mắt mờ đục của ông ngân ngấn nước. Lòng tôi cũng rối bời. Thật tình, đến nước nầy, tôi cứ mong trong đời tôi không có buổi mua bán nào như thế nữa…

    oOo


    … Câu chuyện có lẽ cũng qua đi như những chuyện mua bán hàng ngày của tôi về các món đồ cổ không có giá nào là chuẩn, chỉ tuỳ thuộc vào sở thích và giá trị lâu đời của nó đối với người mua. Sau chuyện mua được cái đĩa màu xanh lục thời Khang Hy với giá hời, tôi đã sắm cho cậu con trai chiếc xe gắn máy chơi tết. Rồi như phát vận từ chiếc đĩa may mắn nầy, nghề của tôi phất lên như diều gặp gió. Trở nên giàu có trong giới săn lùng đồ cổ, tôi giờ đã thành một người tăm tiếng, tiền bạc rủng rỉnh và nói theo ngôn ngữ của giới mua bán, tôi là một đại gia tầm cỡ…

    Sáng nay, tôi đang ngồi uống cà phê trong nhà hàng thì một ông già chống gậy xin ăn tiến vào chỗ mình. Nhìn cái dáng gầy gò, gương mặt xương xương với mái tóc lơ thơ bạc trắng cột thành chùm, tôi đâm ngờ ngợ, hình như đã gặp ở đâu. Lục lại trí nhớ mình, tôi ngớ người ra! Thôi đúng rồi! Đúng là ông già bán chiếc đĩa thời Khang Hy màu xanh lục năm trước. Mới chỉ có một năm mà ông như già sọm đi, chân nhấc từng bước khó nhọc với cây gậy mò mẫm dò đường. Chiếc áo ông mặc đã rách bươm, trơ ra bờ vai nhăn nheo, gầy guộc. Ông lại gần, nghe tôi nhắc rất lâu mới nhớ ra đã có lần đưa tôi về nhà mua chiếc đĩa và run run trả lời khi tôi hỏi thăm thằng cháu với những giọt nước mắt đùng đục chảy ra từ trong hốc mắt sâu hoắm:

    - Thằng cháu tôi mất rồi! Thuốc men chỉ cầm cự được vài tháng là hết tiền. Bác sĩ nói nếu có thêm vài triệu nữa đưa vào giải phẫu, may ra nó mới sống được. Nhưng cậu tính tiền đâu nữa. Chiếc đĩa là vật có giá cuối cùng tôi cũng bán mất rồi… Thật tình tôi cũng mang ơn cậu vì hồi đó cậu mua cái dĩa giúp tôi với giá cao, không lời lóm gì…

    Tôi nghe mà chết điếng người, ngụm cà phê bỗng đắng ngắt trên môi. Hoá ra, tôi đã chèn giá hết sức nhẫn tâm trong vụ mua chiếc đĩa cổ, tôi lại được người khác mang ơn trong khi tôi chính là thằng lưu manh, độc ác, đáng bị phỉ nhổ. Nếu như người mua hôm ấy không phải là tôi… Nếu như tôi có lòng giúp cho thằng bé đủ tiền chạy chữa, mà cũng không cần có tấm lòng, nếu như tôi mua đúng giá trị mà chiếc đĩa vốn có, nếu như…

    Tôi nhìn bóng ông cụ khuất dần ở phía bên kia đường với dáng đi xiêu vẹo mà bất giác rùng mình, sợ hãi cả chính tôi. Treo trên đầu tôi bây giờ là hình ảnh thằng bé nằm thoi thóp với chiếc đĩa thời Khang Hy màu xanh lục bọc trong những tấm vải rách nát ố vàng…

    NGUYỄN MINH PHÚC
  •  
__._,_.___
View attachments on the web

Posted by: Ngoc Van Nguyen Thi <nguyenthingocvan50@yahoo.com>

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Phúc, Lộc, Thọ - Các cụ là ai ? Tác Giả : Dương Duy Ngữ


Phúc, Lộc, Thọ - Các cụ là ai ?
Tác Giả : Dương Duy Ngữ  
Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: "Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn"

Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, ông Lộc là một quan tham chuyên ăn của đút lót. Ông Thọ lại là vị quan thực dụng, ưa xu nịnh vua để được ban thưởng, trong dinh của ông cung nữ nhiều chẳng kém ở cung vua. Chỉ có ông Phúc là quan thanh liêm, ngay thẳng, con cháu đề huề.
Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp các cụ Phúc, Lộc, Thọ
Các cụ thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè, có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to, rõ đẹp. Người tầm tầm thì bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng
Xin thưa, theo truyền thuyết, cả ba cụ đều là người Hán và dĩ nhiên đều sinh ra ở Trung Nguyên. Và ba cụ đều làm quan to ở ba triều đại.

Hãy kể theo thứ tự, bắt đầu từ cụ Phúc. Cụ Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.
Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: 
"Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn". Còn theo người Hoa Hạ ở Trung Nguyên thì vợ chồng cùng tuổi là rất tốt. Họ có thể điều hòa sinh khí âm, khí dương cho nhau. Vì vậy, có thể bớt đi những bệnh tật hiểm nguy. Lại cùng tuổi nên dễ hiểu nhau, dễ thông cảm cho nhau, nên hai cụ rất tâm đầu, ý hợp. Hai cụ 83 tuổi đã có cháu ngũ đại. Lẽ dĩ diện phải là nam tử rồi. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là như vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu ngũ đại giữ ấm chân nhang của tổ tiên là sung sướng lắm lắm! Phúc tophúc dày lắm lắm! Bởi thế cụ mới bế thằng bé, cháu ngũ đại, đứng giữa đời, giữa trời, nói:- Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa. Rồi cụ cười một hơi mà thác. Được thác như cụ mới thực sự được về cõi tiên cảnh nhàn du. Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông và chít nội than rằng:- Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ đầy, dày sâu, sao giời chẳng cho đi cùng…
Ai có thể ngờ, nói dứt lời cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau. Hỏi còn phúc nào bằng. Và cụ được người đời đặt tên là Phúc.

Cụ thứ hai là cụ Lộc. 
Cụ Lộc tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm. Cụ hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc. 
Trong nhà cụ, của chất cao như núi. Tưởng cụ Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. Cụ chỉ hiềm một nỗi, năm cụ tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy cụ lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Cụ ốm lâu lắm. Lâu như kiểu bị tai biến mạch máu não bây giờ. Cụ nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng:
- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?

Còn cụ thứ ba, cụ Thọ. Cụ Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lý làm quan của cụ Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Cụ coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng cụ Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi cụ nhất định không nhận đút lót. Cụ chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Được bao nhiêu tiền thưởng, cụ lại đem mua gái đẹp, gái trinh về làm thê thiếp. Người đương thời đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua. 
Cụ thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi cụ là ông Thọ. Trước khi về chốn vĩnh hằng, cụ Thọ còn cưới một cô thôn nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Cụ Đông Phương Sóc bảo, cụ được thọ như vậy là nhờ cụ biết lấy âm để dưỡng dương.
Do cụ Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời của cụ, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹpthật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên cụ:
- Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua. Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.
Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:
- Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan. Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao?
Cụ Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi cụ chết thì con không còn, cháu cũng đã hết cơm hết gạo mà chắt đích phải làm ma, phải thay cha, thay ông, chở cụ nội.
Vậy làm quan như cụ, thọ như cụ phỏng có ích gì?

Qua ba bức tượng PhúcLộcThọ người đời thấy, người Hoa Hạ thật là tài giỏi. Họ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.
Trong ba điều ước Phúc, Lộc, Thọ ấy chỉ có thể được một mà thôi.